Chiến dịch Cầu London là kế hoạch tang lễ phổ biến nhất của Nữ hoàng Anh. Tuy nhiên còn một bản kế hoạch không phải ai cũng biết, dành cho trường hợp bà qua đời tại Scotland.
Ngày 8/9 vừa qua, nhân dân Anh và đông đảo người dân khắp thế giới đón nhận một tin tức chấn động khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II - biểu tượng của nước Anh và Khối Thịnh vượng chung suốt 7 thập kỷ đã băng hà tại điền trang của gia đình, lâu đài Balmoral.
Nằm tại Scotland, lâu đài Balmoral là địa điểm nghỉ hè ưa thích của Nữ hoàng bên các thành viên gia đình, bà thường dành thời gian nghỉ hè tại đây mỗi năm từ tháng 8, tháng 9 đến đầu tháng 10.
Mùa hè cuối cùng này, bà cũng đã tận hưởng những giờ phút ấm áp bên gia đình, con cháu. Kể cả đến những giờ phút cuối đời, dù phải phá bỏ truyền thống 70 năm tiếp kiến tân Thủ tướng tại Điện Buckingham, bà vẫn hoàn thành trọn vẹn nghĩa vụ mình đã cống hiến cả đời.
Tuy nhiên, trong khi truyền thông tập trung vào Chiến dịch Cầu London - mật danh của kế hoạch tang lễ kéo dài 10 ngày của Nữ hoàng, không phải ai cũng biết rằng có một "kế hoạch B" nữa cũng sẽ được thực hiện song song trong trường hợp Nữ hoàng băng hà tại Scotland.
"Kế hoạch B" khi Nữ hoàng băng hà tại Scotland
Chiến dịch Cầu London nguyên gốc vốn dành cho trường hợp Nữ hoàng băng hà tại Anh. Bản kế hoạch này miêu tả chi tiết 10 ngày sau sự ra đi của bà, miêu tả tỉ mỉ về cách tiến hành các nghi lễ và cả sự lên ngôi của tân vương. Do Nữ hoàng dành vài tháng mỗi năm tại Balmoral, các nhà lập kế hoạch cũng đã dự trù cả phương án này với mật danh "Chiến dịch Kỳ lân" với một số điều chỉnh nhỏ vào giai đoạn đầu của quốc tang.
Chiến dịch Kỳ lân được hé lộ vào năm 2019 khi vài phút trao đổi của các lãnh đạo Quốc hội Scotland được đăng tải lên một diễn đàn dành cho các thành viên cấp cao của cơ quan này. Tên của nó được đặt theo quốc thú của Scotland - con kỳ lân trong truyền thuyết.
Ngoài Chiến dịch Kỳ lân, một số kế hoạch tỉ mỉ khác cũng được soạn sẵn, chẳng hạn như "Chiến dịch Overstudy" khi vị quân chủ băng hà ở nước ngoài.
Theo Chiến dịch Kỳ lân, ngày đầu tiên sau khi Nữ hoàng qua đời (Thứ Sáu, 9/9), linh cữu của bà sẽ được mang từ Balmoral tới thành phố lân cận Alberdeen, sau đó tiếp tục được mang lên Tàu hỏa Hoàng gia đi dọc bờ biển phía Đông của Scotland đến Thủ đô Edinburgh.
Những đoàn người thương tiếc được cho là sẽ tiễn đưa Nữ hoàng dọc tuyến đường sắt, trong khi các đơn vị cận vệ Hoàng gia Scotland sẽ lập hàng rào danh dự tại các nhà ga.
Khi đến Edinburgh, linh cữu của Nữ hoàng sẽ được quàn tại một tư gia Hoàng gia, một lâu đài từ thời trung cổ tên Holyroodhouse trong 1 ngày.
Sau đó, nghi lễ rước linh cữu sẽ diễn ra từ Holyroodhouse dọc theo dãy phố lịch sử Royal Mile đến Nhà thờ cổ St Giles, gần lâu đài Edinburgh. Tại đây, các thành viên Hoàng gia sẽ có một buổi lễ tưởng niệm.
Điện Holyroodhouse và Nhà thờ St Giles là các địa danh dành riêng cho người dân Scotland đến tưởng niệm và tri ân vị quân chủ.
Lễ tưởng niệm tại Nhà thờ St Giles sẽ diễn ra 1 ngày, và hôm sau đó linh cữu của bà sẽ tiếp tục được đưa trên chuyến hành trình về phía Nam đến London trên Tàu hỏa Hoàng gia. Con tàu sẽ đi từ Nhà ga Waverley ở Edinburgh về ga St Pancras ở London.
Một khi linh cữu Nữ hoàng đi qua biên giới Scotland và Anh, Chiến dịch Kỳ lân sẽ kết thúc và phần còn lại của Chiến dịch Cầu London sẽ bắt đầu.
Nữ hoàng đã dành phần lớn các mùa hè trong đời của mình trên khu đất cao nguyên của Hoàng gia ở Aberdeenshire, khi các thành viên trong gia đình theo truyền thống ở đó từ tháng 7 đến tháng 9 và tháng 10. Balmoral, giống như Sandringham, là nơi ở riêng của Nữ hoàng chứ không phải là dinh thự của hoàng gia thuộc về vương miện.
Nhiều năm ký ức Hoàng gia đã được hình thành ở đó, bao gồm nhiều bữa tiệc nướng gia đình, nơi Công tước xứ Edinburgh nấu ăn và Nữ hoàng giặt giũ. Vào tháng 9 hàng năm, họ sẽ mời các Thủ tướng tại vị tới cùng nghỉ tại đây.
Sau khi Philip và Công chúa Elizabeth kết hôn vào năm 1947, họ đã dành một phần tuần trăng mật tại Birkhall - một nhà nghỉ săn bắn trên khu đất Balmoral được Hoàng tế Albert mua cho Nữ hoàng Victoria vào năm 1852, và lưu truyền qua nhiều thế hệ Hoàng gia.
Các kế hoạch được đặt mật danh đáng chú ý khác
Chiến dịch Overstudy
Chiến dịch Overstudy là bản kế hoạch chi tiết dành cho trường hợp Nữ hoàng băng hà tại nước ngoài. Trong trường hợp này, bà sẽ được phi đội Hoàng gia số 32 thuộc Không quân Anh đón trên một chiếc máy bay C17 về doanh trại Brize Norton hoặc Norholt gần London.
Lần cuối Nữ hoàng công du nước ngoài là vào năm 2015 đến một trong số những quốc gia ưa thích nhất của bà, đảo quốc Malta. Đó là một chuyến đi tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo của Khối Thịnh vượng chung.
Malta là địa điểm ưa thích của Nữ hoàng, gắn với nhiều kỷ niệm cùng Hoàng tế. Trong hình, cặp đôi Hoàng gia đang đến thăm đảo quốc này nhân kỷ niệm 60 năm ngày cưới.
Địa điểm này vô cùng đặc biệt vì bà từng cùng chồng, Hoàng tế Philip, dành 2 năm sinh sống tại đó khi mới cưới. Hoàng tế Philip từng phục vụ cho Hải quân Anh tại nước này, do đó cặp đôi Hoàng gia đã có nhiều kỷ niệm vui vẻ, hạnh phúc tại đây. Họ thường đi xem phim, tới rạp hát và đi dạo khắp nơi một cách dễ dàng.
Sau khi lên ngôi, Nữ hoàng có tổng cộng 6 lần tới thăm Malta. Từ sau chuyến đi năm 2015, bà nhường lại các nhiệm vụ công du Hoàng gia tại nước ngoài cho con cháu, đặc biệt là vợ chồng cựu Thái tử Charles và vợ chồng William.
Trong 70 năm trị vì, bà đã tới thăm 117 quốc gia và vùng lãnh thổ, với quãng đường tương đương 42 lần vòng quanh Trái đất, theo Express.
Chiến dịch Quả cầu Vàng
Đây là mật danh cho kế hoạch lên ngôi của Vua Charles III, gồm nhiều hoạt động tôn giáo tại Tu viện Westminster trong nhiều tháng, với sự đồng hành của Vương hậu Camilla. Các nghi lễ được cử hành theo truyền thống Anh giáo nhưng được cho là cũng sẽ phù hợp với người dân các tín ngưỡng khác tại Anh.
Khi Nữ hoàng lên ngôi năm 1953, nước Anh tổ chức một buổi đăng cơ rất linh đình vì đó là cơ hội để khôi phục tinh thần cho người dân sau chiến tranh.
Tuy nhiên, hiện tại, nghi lễ lên ngôi và đăng cơ của Thái tử Charles được cho là sẽ giản lược hơn nhiều để phù hợp với tình hình hiện tại.
Theo Daily Mail, lễ đăng cơ được cho là sẽ diễn ra sớm nhất vào mùa xuân năm sau, nhưng sẽ sớm hơn khoảng thời gian 16 tháng Nữ hoàng phải đợi năm xưa. Và nó có thể sẽ ngắn hơn và ít tốn kém hơn đáng kể so với trước đây, bắt đầu tinh thần mới của triều đại Vua Charles III.
Người ta ước tính rằng lễ đăng cơ năm 1953 trị giá 1,57 triệu bảng - tương đương 46 triệu bảng ngày nay.
Nhà vua đã nói rõ rằng ông ủng hộ một chế độ quân chủ gọn gàng hơn, hiện đại hơn và lễ đăng quang của ông sẽ phản ánh điều đó, các nguồn tin cho biết. Với việc đất nước đang đối mặt với suy thoái và áp lực mới đối với hầu bao của công chúng, mong muốn của ông về một nghi lễ tinh gọn triệt để có thể sẽ được nhiều người hoan nghênh.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch sẽ rất tỉ mỉ, xem xét từng chi tiết. Lễ đăng cơ mang đậm ý nghĩa tôn giáo - một nghi lễ trang trọng và thiêng liêng, nơi vị tân vương được xức dầu và tuyên thệ trước Chúa và đất nước của mình.
Chiến dịch Triều cường
Kế hoạch này bao gồm các chuyến đi đầu tiên của Vua Charles III với tư cách là tân vương đến các vùng Liên hiệp Anh gồm, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland, sẽ diễn ra trước tang lễ Nữ hoàng. Có các tên mã riêng trong Triều cường cho mỗi chuyến thăm: Chiến dịch Chim bói cá ở Scotland, Chiến dịch Rồng ở Wales và Chiến dịch Cỏ ba lá ở Bắc Ireland - đều là các loài vật mang tính biểu tượng của mỗi vùng.
Triều cường là hiện tượng xảy ra vào trăng non và trăng tròn, khi Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất tạo thành một đường thẳng (sóc vọng), khiến lực thủy triều mạnh nhất trong tháng. Một đợt triều cường đặc biệt cao còn được gọi là "thủy triều vua".
Nguồn: Tổng hợp