Đỗ Mạnh Cường kể chuyện sống tiết kiệm để dành tiền nuôi 5 con

NTK Đỗ Mạnh Cường hạn chế mua sắm, cân nhắc trước mỗi quyết định chi tiêu để có nguồn tài chính ổn định cho các con ăn học trong tương lai.

Ngôi nhà của Đỗ Mạnh Cường trước đây chỉ có mình anh, nay là tổ ấm cho 5 em bé: Nhím, Linh Đan, My My, Gấu và Tít. Bé Tít là anh cả, vừa tròn 6 tuổi; Nhím 5 tuổi rưỡi; Linh Đan lên 3 còn Gấu và My My vẫn đang ẵm ngửa. Từ nhà thiết kế độc thân yêu cuộc sống tự tại, Đỗ Mạnh Cường trở thành người có gia đình. Anh đi đâu, làm gì cũng muốn mau xong việc để về nhà và cắt giảm nhiều khoản chi tiêu cá nhân để dành tiền cho các con đi học trong môi trường tốt nhất.

Đỗ Mạnh Cường bên các con Nhím, Linh Đan, My My và Gấu.

- Các con lần lượt đến với anh trong những cơ duyên nào?

- Tôi gặp Nhím cách đây 5 năm, trong một lần đi từ thiện tại ngôi chùa ở Long An. Nhím lúc đó hai tháng tuổi, nhỏ nhất chùa nhưng ngoan lắm. Chẳng hiểu sao ngay lần đầu trông thấy Nhím, tôi đã muốn nhận bé về nuôi. Ban đầu tôi nghĩ với điều kiện của mình thì chắc hẳn việc xin nuôi một đứa trẻ rất đơn giản. Sau đó tôi phải trải qua rất nhiều thử thách, đặc biệt là các thủ tục, trong 5 năm, mới chính thức được nhận cháu. Suốt thời gian ấy, tôi đi lại giữa TP HCM và Long An, có tuần đến vài lần, để gặp và chăm sóc bé Nhím. 

My My bị bố mẹ bỏ rơi, được tôi nhận nuôi lúc mới ba ngày tuổi. Linh Đan không có bố, bị mẹ dắt đi lang thang suốt hai năm. Gấu thì bị đẻ ngoài đường rồi người mẹ cũng đi mất. Tít mồ côi mẹ, bố có gia đình riêng. Những đứa trẻ đáng thương, mỗi bé một hoàn cảnh, nhưng đều thiếu vắng sự chăm sóc từ bố mẹ. 

- Anh mất bao lâu để đưa ra quyết định nhận nuôi một đứa trẻ?

- Với Nhím, thời điểm đó, tôi chưa chuẩn bị tâm lý về việc sẽ nhận một đứa bé làm con nuôi. Chỉ đến khi bế Nhím trên tay, âu yếm con, tôi bỗng thấy những cảm tình đặc biệt. Đó là cảm xúc rất khó nói, thôi thúc tôi nhận con để được chăm sóc bé nhiều hơn. Lúc trở về nhà tôi vẫn đinh ninh điều này chẳng có gì phức tạp.

Tôi không suy nghĩ quá nhiều mà thường đưa ra quyết định dựa vào cảm xúc ngay lúc đó. Các con đến như duyên lành, tôi vui vẻ đón nhận.

- Tít, Nhím, Linh Đan, Gấu và My My có đặc điểm tính cách nào nổi bật?

- Nhím rất tình cảm, từ lúc đầy tuổi đã biết ai là người thân. Bé cũng có năng khiếu nghệ thuật, bây giờ đã thể hiện khả năng nhảy múa và diễn xuất. Linh Đan hòa nhập với cuộc sống mới rất nhanh. Trước đây bé từng có thời gian đi lang thang nên không quen thể hiện tình cảm. Lúc về với anh và bố, Đan bắt chước cách anh Nhím nói yêu bố mỗi ngày. Tôi cảm nhận con dần mở lòng, coi đây là gia đình. My My và Gấu thì nhỏ quá, nhưng My có vẻ dữ hơn vì hay la hét còn Gấu lành lắm, hiền nhất trong 5 đứa.

Tít mới về nhà được vài ngày nhưng tỏ ra là đứa trẻ hiểu chuyện. Bé gần gũi các em và dành cho bố những cử chỉ âu yếm.

- Cuộc sống của anh thay đổi ra sao từ khi trở thành bố?

- Mọi thứ xung quanh tôi bị xáo trộn kể từ lúc Nhím về, rồi đến My My, Linh Đan, Gấu và Tít. Năm đứa trẻ đều dễ nuôi, ba đứa lớn nghe lời, nhưng nuôi dạy những đứa con không hề đơn giản. Lịch làm việc của tôi hoàn toàn thay đổi để dành thời gian cho chúng, thay vì chỉ cho bản thân và công việc như trước. Buổi sáng tôi phải dậy sớm đưa Nhím đi học, sau đó mới đi làm, chiều tranh thủ về sớm đón con, buổi tối chăm hai đứa nhỏ. 

Tôi cũng làm những công việc của người bố như thay bỉm, cho con ăn sữa. Lúc My My và Gấu mới về, tôi thỉnh thoảng thức đêm chăm con nhưng sáng hôm sau vẫn đi làm. Nhím, Linh Đan và Tít đang tuổi nghịch ngợm, chúng làm ồn khiến nhà lúc nào cũng ầm ĩ. Tôi gần như chẳng lúc nào được tận hưởng không gian riêng tư, yên tĩnh như lúc trước. 

Những chuyến đi chơi xa hay công tác dài ngày hiện tại đều được tôi cân nhắc. Tôi không muốn phó mặc các con cho người giúp việc, cũng thấy rất buồn khi vắng chúng. Tôi muốn tự tay chăm sóc các con để từ đó xây dựng tình cảm, mối liên kết ruột thịt. 

- Anh đã có những trải nghiệm thế nào khi phải thức đêm chăm con?

- Khi chưa tìm được vú em, tôi đã trực tiếp chăm bé Gấu trong một thời gian. Ban đêm, cứ hai tiếng con thức đòi ăn một lần rồi quấy khóc, tôi loay hoay xoay xở bỉm, sữa sau đó buổi sáng vẫn đi làm, thấy rất mệt. Tôi hiểu được nỗi vất vả của những bà mẹ sau sinh khi sức khỏe và tâm lý còn yếu vẫn phải thức đêm chăm con. Sau này có một vú em phụ tôi nhưng tôi vẫn chủ động thức cùng để hỗ trợ những việc lặt vặt. 

Đồng ý rằng thức đêm chăm con rất mệt nhưng với tôi, điều đó trong khả năng, vẫn cố gắng được. Động lực thì không gì khác ngoài tình yêu dành cho các con. Nếu không yêu trẻ con, tôi chẳng thể làm được những việc xưa nay chưa từng đụng tới.

Nhím và Linh Đan thể hiện khả năng làm mẫu nhí.

- Anh xử lý ra sao trong hoàn cảnh các con đều quấy khóc?

- Tít, Nhím và Linh Đan lớn rồi thì không quấy khóc, nhưng thường xuyên nô nghịch và làm ồn. Nhiều lúc tôi rất bực khi mất công dỗ My My và Gấu ngủ, mấy đứa lớn lại quậy phá, khiến em giật mình tỉnh dậy. Ba bé lớn vẫn còn dại, thỉnh thoảng trêu chọc em, tôi nói mãi không được nên có lần nổi giận. Những tình huống này gia đình đông con nào cũng gặp, tôi phải thích nghi và tìm biện pháp nhắc nhở phù hợp. 

Tôi không quá khắt khe với con vì hiểu chúng đã trải qua nhiều thiệt thòi trước đó. Nhưng trong nhiều hoàn cảnh phải cứng rắn, lúc đóng vai ác, lúc đóng vai hiền, để con biết "bố thương các con nhưng bố có nguyên tắc". Tôi hay nhẹ nhàng giải thích cho chúng hiểu chứ tuyệt đối không đánh mắng. Nhím rất sợ ánh mắt lạnh lùng của bố, lúc tôi im lặng là bé biết điểm dừng.

- Những khó khăn về tài chính anh gặp phải khi nuôi dưỡng 5 bé?

- Hiện tôi chưa gặp khó khăn gì vì các bé còn nhỏ. Tôi giống như những bậc cha mẹ khác, đều mong muốn thứ tốt nhất cho con, nhưng phải trong khả năng. Nuôi con, tốn kém nhất có lẽ là chi phí giáo dục nếu muốn bé được học trong môi trường tốt (hiện Tít và Nhím học trường song ngữ, học phí 120 triệu đồng/năm). Còn chuyện ăn, mặc thì đơn giản, gia đình khác nuôi được, tôi cũng nuôi được.

Từ lúc có con, tôi phải lên kế hoạch tài chính rõ ràng, tiết kiệm nhiều khoản để lo cho tương lai của chúng. Ngày trước tôi chi tiêu thoáng tay, shopping không phải nghĩ nhưng giờ đã bắt đầu cắt giảm. Những đứa trẻ làm thay đổi thói quen tiêu tiền của tôi, khiến tôi chậm lại một bước trước khi quyết định vung tay. Tôi phải chịu trách nhiệm với các con, phải cho chúng cuộc sống tốt hơn, đó là áp lực lớn.

- Việc Đỗ Mạnh Cường nhận nuôi những đứa trẻ được dư luận quan tâm. Phải chăng đây cũng là áp lực?

- Đúng vậy. Tất cả mọi người đang nhìn vào xem tôi sẽ nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ thế nào. Sau này chúng ra sao, trở thành ai, là do cách tôi giáo dục, uốn nắn. Tôi mang trên vai hai trách nhiệm: trách nhiệm với gia đình, trách nhiệm với xã hội. Tôi biết chuyện này không đơn giản nhưng tôi đã quyết định cưu mang các con thì sẽ phải làm hết sức mình. 

- Anh có 'dám' tiếp tục nhận thêm những đứa trẻ khác?

- Như đã chia sẻ, tôi chưa bao giờ lên kế hoạch về việc xin con nuôi mà đón nhận mọi thứ một cách tự nhiên. Vẫn biết việc nuôi nấng một đứa trẻ không đơn giản nhưng nếu có duyên thì tôi vẫn vui vẻ mở lòng.

- Vậy còn chuyện sinh con ruột thì sao?

- Tôi từng nghĩ về việc này nhưng sau đó quyết định... không nghĩ nữa để khỏi đau đầu. Tôi cho rằng nếu mình dành hết tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc cho một đứa trẻ mà không bận tâm chúng là con nuôi, hay con đẻ thì cách chúng đối xử lại với tôi cũng thế, như người bố ruột.

Bé Tít, 6 tuổi, mới được Đỗ Mạnh Cường nhận nuôi.

Theo Ngoisao.net

 Đỗ Mạnh Cường bức xúc vì bị mỉa mai "la liếm kiếm fame" dựa hơi U23 Việt Nam