Dự án thử nghiệm thí điểm làm sạch sông Tô Lịch được Nhật tài trợ 100%

Các chuyên gia đến từ Nhật Bản đã lên tiếng đính chính công trình nghiên cứu sông Tô Lịch ở Việt Nam là được tài trợ 100% bởi Nhật Bản, đồng thời việc xả lũ cũng phải mất 3-5 ngày thông báo chứ không thể xả bất ngờ dễ gây ảnh hưởng đến người dân như vậy.

Sáng ngày 26-7, công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) cùng chuyên gia Nhật Bản đã có buổi tiếp xúc báo chí để trả lời những thắc mắc trong thời gian vừa qua liên quan đến việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội xả nước hồ Tây cuốn trôi kết quả thử nghiệm của chuyên gia Nhật ở sông Tô Lịch.

TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản, chuyên gia Liên Hiệp Quốc về Môi trường, trả lời báo chí

Tại buổi tiếp xúc, TS Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại – Môi trường Nhật Bản, Chuyên gia Liên Hiệp Quốc về Môi trường, cho rằng: “Điều chúng tôi bức xúc khi Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội nói rằng việc xử lý này phải trả tiền cho chúng tôi. Ngay từ đầu, dự án thử nghiệm này chúng tôi tài trợ 100% cho phía Việt Nam. Như các sự án nếu không được thông báo trước và xảy ra thiệt hại thì phải đền bù nhưng chúng tôi không một lời nào trách móc và không có một chút nào nói về đền bù. Mà chúng tôi theo văn hóa của con người Nhật Bản, chúng tôi không đổ lỗi, chúng tôi coi đấy là việc khách quan và chúng tôi làm lại từ đầu, bên phía Việt Nam sẽ không mất thêm chi phí nào cả. Chỉ khi nào thành công, đưa vào sử dụng, lúc đó bên phía Việt Nam mới phải trả chi phí” – TS Tadashi Yamamura nói.

TS Tadashi Yamamura cho biết thêm: “Vừa qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, có thông tin buổi họp báo giao ban giữa các Sở ngành và Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và JVE, trong ngày 22-7, tuy nhiên bản thân chúng tôi không tham dự cuộc họp, nên một số thông tin phản ánh không chính xác và chúng tôi khẳng định thêm ngay công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, công ty không hề có một lời đổ lỗi cho bên phía Việt Nam mà chúng tôi đã khẳng định việc xả nước của bên phía công ty Thoát nước là đảm bảo an toàn cho người dân trên TP Hà Nội. Tuy nhiên, ở Nhật Bản chúng tôi dù có xả nước đi chăng nữa, thường phải báo trước 3-5 ngày, nếu được phải báo trước 7-10 ngày, tránh các vấn đề đáng tiếc không xảy ra ảnh hưởng đến tính mạng con người ở vùng hạ lưu. Đơn vị của chúng tôi (JVE) chỉ được thông báo trước 15 phút và sau đó xả. Nếu được thông báo trước 1 ngày, chúng tôi đã có giải pháp, nó không gây sự cố như ngày hôm nay”.

Công nghệ Nano đang được chuyên gia Nhật Bản thử nghiệm ở đầu nguồn sông Tô Lịch

TS Tadashi Yamamura khẳng định: “Việc đơn vị công ty Thoát nước Hà Nội cảnh báo không nên thí nghiệm công nghệ vào mùa mưa mà nên chuyển sang làm vào mùa khô, chuyên gia Nhật Bản cho rằng, các chuyên gia đã điều tra rất kĩ tại Hà Nội là có 2 mùa mưa và khô rõ rệt, cũng như đã có kinh nghiệm làm nhiều con sông trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… Ngay với những trận mưa và bão to, công nghệ chúng tôi cũng không vấn đề gì ở những dòng sông mà chúng tôi đã làm. Nhưng vấn đề này là lượng nước xả bất ngờ lên đến gấp 10 lần lượng nước chảy vào con sông mà chảy liên tục trong 3 ngày, như thế nó làm cuốn trôi rất nhiêu vi sinh tốt cho dòng sông, nếu không có biệt pháp xử lý trước đó”.

Chuyên gia Nhật Bản cũng khẳng định Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội chưa hiểu về bản chất sự việc đã xảy ra, bởi vì công nghệ không phải xử lý trong khu vực được quây lại. Đó chỉ là khu vực xử lý bùn, còn các chuyên gia đang làm trực tiếp trên dòng sông 300 m, không có quây kín và vẫn làm trên hiện trạng có nước thải chảy vào liên tục.

Chuyên gia Nhật Bản cũng khẳng định thêm phát ngôn của Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội chưa chính xác việc cách đánh giá, thử nghiệm trên một dòng sông rằng tại sao không làm cuối nguồn mà lại làm đầu nguồn. “Công nghệ này chúng tôi thử nghiệm trong vòng 300 m và có 4 máy Nano. Nếu làm cuối nguồn, chúng ta phải xử lý toàn bộ nước thải của cả dòng sông thì khi đó là xử lý cả dòng sông chứ không còn là kiểm tra tính năng của 4 máy nữa. Muốn kiếm tra tính năng của 4 máy và thì chúng ta phải làm đầu nguồn để biết được phạm vi xử lý của 4 máy” – ông giải thích.

Theo: Hanoi24h