Năm 2019, nhân viên của một công ty tại Thâm Quyến (Trung Quốc) tên Vương Tiểu Ni đã bị đuổi việc chỉ sau 18 ngày kể từ khi ký hợp đồng lao động. Nguyên nhân là do công ty này lắp đặt nhiều camera có độ phân giải cao ở khu vực văn phòng, trong đó có một chiếc camera ngay phía trên khu vực làm việc của Tiểu Ni. Cô cảm thấy như vậy là xâm phạm quyền riêng tư, dễ bị cấp trên theo dõi nên đã mang ô đến che mỗi khi làm việc.
Phía quản lý nhân sự đã trao đổi với Tiểu Ni về việc không được sử dụng ô trong văn phòng, đồng thời 2 lần gửi văn bản cảnh cáo nhưng nữ nhân viên này vẫn không tuân thủ. Thậm chí Tiểu Ni còn dùng thêm 1 chiếc ô nữa để không ai biết cô đang xử lý công việc hay làm việc riêng trong giờ hành chính.
Hành động của Tiểu Ni bị ban giám đốc công ty đánh giá ảnh hưởng đến các nhân viên khác cũng như vi phạm nghiêm trọng quy định kỷ luật trong công ty. Sau khi bị cho thôi việc, nữ nhân viên này cho rằng camera hướng khác vẫn có thể ghi lại hình ảnh cô làm việc, không thể dựa vào hành động che ô để đuổi việc cô. Tiểu Ni nộp đơn kiện công ty với lý do sai phạm trong việc chấm dứt hợp đồng lao động, phải bồi thường cho cô 335.000 NDT (1,1 tỷ đồng).
Sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án Trung Quốc đã bác bỏ yêu cầu bồi thường của Vương Tiểu Ni vì 3 lý do. Thứ nhất, mục đích lắp đặt camera giám sát là để đảm bảo an toàn cá nhân và cho tài sản của công ty, khu vực lắp đặt ở nơi nhiều người làm việc, hướng ra toàn bộ văn phòng mà không nhằm vào một cá nhân nào.
Việc công ty giám sát qua camera cũng chỉ giới hạn trong thời gian làm việc và đã được thông báo rõ ràng với nhân viên. Công ty có trách nhiệm bảo mật thông tin của nhân sự và người lao động cũng cần ý thức bảo vệ lợi ích doanh nghiệp thông qua việc tôn trọng quy định nơi làm việc.
Thứ hai, Vương Tiểu Ni khẳng định vị trí ngồi của cô có thể bị người giám sát camera nhìn thấy các thông tin cá nhân hiển thị trên màn hình máy tính. Thế nhưng trên thực tế, không có bằng chứng cho nữ nhân viên này bị đánh cắp thông tin thông qua camera. Thứ ba, Vương Tiểu Ni đã bị quản lý nhắc nhở nhiều lần, không tuân thủ quy định tại môi trường làm việc của công ty như trong hợp đồng đã ký nên công ty cho cô thôi việc là hoàn toàn đúng pháp luật.
Tòa án nhận định, dù Luật lao động Trung Quốc bảo vệ rõ ràng quyền lợi của người lao động nhưng ngược lại, người lao động cũng cần tuân thủ kỷ luật do người sử dụng lao động đề ra. Điều 25 Luật này quy định rõ nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động nghiêm trọng thì người sử dụng lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Vậy nên Vương Tiểu Ni vừa mất việc, vừa không được nhận bồi thường.
Vụ việc gây ra tranh cãi trong một thời gian trên mạng xã hội đất nước tỷ dân. Nhiều người bày tỏ quan điểm bảo vệ nữ nhân viên vì ai cũng cần có sự riêng tư, công ty đã quá vội vàng sa thải mà không có phương án giải quyết “mềm mỏng” hơn. Không ít người cho rằng Vương Tiểu Ni là người sai vì không tôn trọng quy định của công ty và cảnh cáo của quản lý, trong khi cô có thể lựa chọn xin đổi chỗ ngồi thay vì chống đối cấp trên bằng cách che ô.
(Theo The Paper)