Theo đó, tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, chỉ tính riêng nửa đầu năm nay 2019 đã có gần 600 ca mắc sởi. Đây là con số tăng cao đột biến. Đáng lo ngại, năm nay còn có nhiều ca biến chứng nặng. Hiện dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Các bác sỹ cho biết, trẻ mắc bệnh ở đủ lứa tuổi và thường rơi vào những trẻ chưa tiêm phòng sởi hoặc chưa tiêm nhắc mũi 2. Ngoài ra, theo ngành y tế, 2019 là năm có dịch sởi theo chu kỳ, do đó, số trẻ mắc sởi tăng mạnh so với năm 2018.
Về giải pháp ứng phó, ngành y tế thành phố Cần Thơ đã tổ chức chiến dịch tiêm vaccine sởi - Rubella cho trẻ em từ 1 - 5 tuổi trên địa bàn. Có khoảng 43.000 trẻ tại các trường mẫu giáo, trong cộng đồng được tiêm bổ sung vaccine. Ngoài ra, để phòng chống bệnh sởi, ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh cần chủ động đưa trẻ từ 9 tháng - 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 - 14 tuổi đi tiêm vaccine sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch.
Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban..., phụ huynh cần sớm cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời; không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, nơi tập trung đông trẻ em, cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.