Động thái mới nhất được Singapore tiến hành nhằm đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm, giúp tăng cường an ninh lương thực cho quốc đảo vốn khan hiếm tài nguyên, bao gồm cả đất đai này.
Cụ thể, Cơ quan quản lý Thực phẩm Singapore đã cấp phép nhập khẩu 16 loài côn trùng như dế, châu chấu, sâu bột và ong mật làm thực phẩm. Được thông qua hôm 8/7, quy định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Côn trùng có thể được nhập khẩu vào Singapore ở dạng nguyên liệu hoặc các thực phẩm ăn liền như đồ ăn nhẹ hoặc các thanh protein chứa bột côn trùng.
Để đảm bảo an toàn, quy định mới yêu cầu bên nhập khẩu phải chứng minh rằng côn trùng KHÔNG được thu hoạch tự nhiên hay nuôi bằng các loại thực phẩm độc hại, mất an toàn với nguy cơ lây truyền bệnh dịch. Chúng cũng phải được xử lý nhiệt để đảm bảo diệt khuẩn cũng như mọi mầm bệnh.
SFA cũng nhấn mạnh các bên nhập khẩu phải đảm bảo sản phẩm tuân thủ các quy định của pháp luật Singapore, trong đó đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn an toàn như các loại thực phẩm khác.
Là một quốc đảo nhỏ với đất nông nghiệp hạn chế, Singapore đang nỗ lực tăng cường an ninh lương thực, đặc biệt là trong những năm gần đây khi loạt vấn đề, từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu tới biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hòn đảo gần 6 triệu dân này.
Những lo ngại đó không hề vô căn cứ. Năm 2022, Malaysia, nhà cung cấp thực phẩm hàng đầu của Singapore, đã hạn chế xuất khẩu thịt gà để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung trong nước và ổn định giá cả để ứng phó với lạm phát lương thực và thức ăn chăn nuôi toàn cầu do những gián đoạn vì xung đột Nga – Ukraine. Lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ vào cuối năm đó.
Thủ tướng Singapore Lawrence Wong, người khi đó đảm trách cương vị Phó Thủ tướng, nói rằng: “Chúng ta phải chuẩn bị cho những gián đoạn mới trong nguồn cung thực phẩm. Biến đổi khí hậu có thể gây ra những đe dọa trong tương lai”.
Như một phần của nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung đó, Singapore, quốc gia có GDP bình quân/đầu người đạt 88.000 USD/năm (hơn 2,1 tỷ vnđ) bắt đầu nhập khẩu gà sống từ các trang trại của Indonesia vào năm ngoái sau khi tăng cường nhập khẩu gà đông lạnh và gà đã được chế biến từ quốc gia này vào năm 2022.
Singapore đang đặt mục tiêu tự chủ khoảng 30% nhu cầu dinh dưỡng của nước này vào năm 2030, cao gấp 3 lần mức hiện tại. Như một phần của nỗ lực này, cơ quan quản lý thực phẩm nói rằng họ sẽ “hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu đổi mới sản xuất thực phẩm đô thị theo hướng bền vững, thực phẩm tương lai cũng như gia tăng mức độ an toàn với thực phẩm”.
Các loại thực phẩm mới cũng là lĩnh vực Singapore rất chú trọng. Năm 2020, Singapore trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chấp thuận việc bán thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm. Sau các cuộc tham vấn cộng đồng từ năm 2022, Singapore cũng đã cho phép dùng côn trùng làm thực phẩm và thu hút các doanh nghiệp mới trong lĩnh vực này.
Mặc dù việc ăn côn trùng là điều mới mẻ đối với Singapore nhưng việc này phổ biến hơn ở một số quốc gia châu Á khác như Thái Lan, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng công trùng là nguồn protein bền vững hơn so với động vật nuôi trong các trang trại truyền thống vì chúng có những dưỡng chất quan trọng và là nguồn bổ sung lành mạnh cho chế độ ăn của con người.
FAO cho biết trong một báo cáo năm 2022: “Côn trùng cung cấp năng lượng, chất béo, protein và chất xơ. Tùy vào loại côn trùng, chúng có thể cung cấp vi chất như kẽm, canxi và sắt. Côn trùng có thể là nguồn cung cấp protein thay thế cho các loại thịt thông thường”.
Tham khảo: Nikkei