Là vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh và cũng là vị giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên trong lịch sử, ngài mang đến một tiếng nói mới mẻ, đầy lòng trắc ẩn cho Giáo hội Công giáo - một tiếng nói dựa trên sự khiêm nhường, công lý và đối thoại.
Ngay từ khoảnh khắc xuất hiện trên ban công Vương cung thánh đường Thánh Peter năm 2013 với lời chào giản dị “Buona sera” (Chào buổi tối), Giáo hoàng Francis đã thể hiện một phong cách mới. Việc chọn tên Francis, theo Thánh Francis Assisi, vị thánh của hòa bình và người nghèo, đã báo hiệu một triều đại giáo hoàng chú trọng sự đơn sơ, giản dị và quan tâm hơn đến những người bị bỏ rơi.
Ngài từ chối sống trong dinh thự giáo hoàng xa hoa, chọn sống tại nhà khách Vatican, và thường xuyên nhắc nhở giới tu sĩ hãy sống để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.
Một trong những di sản bền vững nhất của Giáo hoàng Francis là sự cam kết không lay chuyển đối với người nghèo. Ngài coi đói nghèo là một dạng bê bối và biến tình liên đới với người bị bỏ rơi thành trung tâm trong sứ điệp của mình.
Từ các khu ổ chuột ở Buenos Aires đến các trại tị nạn quanh Địa Trung Hải, Giáo hoàng Francis luôn nhắc thế giới nhớ về phẩm giá của những con người bị xã hội lãng quên. Ngài là vị giáo hoàng đã rửa chân cho tù nhân và người di cư trong Tuần Thánh – không phải để phô trương, mà để sống đúng với tinh thần khiêm nhường của Chúa.

Giáo hoàng Francis rửa chân cho các tù nhân ở Civitavecchia, Ý ngày 14/4/2022. Ảnh: Vatican Media.
Giáo hoàng Francis không ngần ngại bước vào những chủ đề gai góc của chính trị và xã hội. Ngài lên tiếng mạnh mẽ về biến đổi khí hậu, với thông điệp “Laudato Si’” năm 2015 trở thành văn kiện mang tính bước ngoặt về đạo đức và trách nhiệm môi trường.
Ngài chỉ trích nền “văn hóa vứt bỏ”, nơi sự sống và thiên nhiên bị coi thường. Đức giáo hoàng cũng là người cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình, không ít lần kêu gọi chấm dứt chiến tranh và buôn bán vũ khí, đồng thời dùng ngoại giao để kết nối giữa các tôn giáo, quốc gia và hệ tư tưởng khác nhau.
Trên hết, Giáo hoàng Francis sẽ được nhớ đến như một người rao giảng về lòng thương xót hơn là phán xét. Ngài đã mở rộng cánh cửa Giáo hội đối với những người ly hôn, cộng đồng đồng tính LGBTQ+ và tất cả những ai từng cảm thấy bị cho ra rìa, bị bỏ lại phía sau.

Giáo hoàng Francis (chụp ảnh tại Vatican năm 2022) là giáo hoàng đầu tiên không phải người châu Âu của thời hiện đại. Ảnh: Getty Images.
Câu nói nổi tiếng của ngài: “Tôi là ai mà dám phán xét?”, đã thể hiện không chỉ phong cách mục vụ của ngài, mà còn là niềm tin rằng tình yêu và sự đón nhận phải đến trước mọi giáo điều.
Trong một thế giới đầy chia rẽ và bất an, Giáo hoàng Francis là người luôn thắp sáng con đường bằng lòng trắc ẩn, đối thoại và hy vọng . Ngài không phải là một con người hoàn hảo, và chính ngài cũng không bao giờ che giấu điều đó. Nhưng ngài không ngừng nhắc nhở chúng ta về sức mạnh đạo đức của sự lắng nghe, tha thứ và đồng hành với những ai yếu thế nhất.
Khi chuông nhà thờ vang lên tại Rome và những lời tiễn biệt được gửi đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta không chỉ tưởng nhớ một vị giáo hoàng, mà là một con người giàu lòng nhân hậu. Giáo huấn, sự khiêm nhường và lòng can đảm của ngài sẽ tiếp tục vang vọng trong trái tim hàng triệu, hàng triệu con người...