Dù nhà nước có chủ trương cấm lớp chọn, nhưng thực tế hiện hữu, phần lớp các trường vẫn tồn tại lớp chọn.
Lớp chọn có thể là một lớp bất kỳ, không cố định, không theo quy luật nào cả. Lớp chọn có thể đặt tên thay đổi, năm nay là A, năm sau là B, hay C, hay D v.v...
Lớp chọn có thể chọn theo tiêu chí riêng của nhà trường, lớp xếp theo năng lực của học trò; lớp xếp theo năng lực của … phụ huynh.
Chỉ có ban giám hiệu, một số giáo viên trong trường, biết lớp nào… chọn.
Vì thế, dù có thanh kiểm tra, hay làm gì, cũng không phát hiện ra lớp chọn; nhà trường không có lớp chọn.
Thật ra, trường càng có “bề dày thành tích”, cần phải “duy trì, phát triển thành tích”, sĩ số đông, càng dễ chọn, nên càng nhiều lớp chọn.
Giáo viên chuyên môn yếu, có dám dạy lớp chọn không? (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Tại sao phụ huynh thích con học lớp chọn?
Sau mỗi kì thi quốc gia, chúng ta lại đọc được các bài báo ca ngợi cả lớp đậu đại học; cả lớp từ 23 điểm trở lên v.v... Như vậy, một mặt ta lên án lớp chọn, mặt khác ta lại tôn vinh, ca ngợi.
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng; trong lớp chọn, học sinh học tốt hơn, thái độ học tập tốt hơn, môi trường học tốt hơn, nên phụ huynh hy vọng con mình học tốt hơn.
Mong muốn đó không sai, vấn đề đặt ra: Tại sao chỉ có lớp chọn có môi trường tốt hơn?
Nếu nhà trường tạo được môi trường tốt, cả trường tương đương, lúc đó không có sự khác biệt giữa các lớp, chẳng còn khái niệm lớp chọn.
Phân công chuyên môn, có phải hiệu trưởng thích ai, người đó được dạy lớp chọn?
Chạy trường điểm, lớp chọn bao giờ mới chấm dứt?
Với mầm non, tiểu học, lớp chọn là lớp của các thầy cô đã có “thương hiệu”, việc thầy cô đam mê, nhiệt huyết, yêu thương học sinh, đã làm nên “lớp chọn”, phụ huynh, học sinh chọn mình.
Lớp chọn chỉ rõ ràng từ bậc học Trung học cơ sở. Nếu phân công chuyên môn dạy lớp chọn theo “chỉ số bằng lòng”, trường đó không còn lớp chọn.
Phụ huynh, học sinh, biết hết năng lực của giáo viên, chẳng thua gì ban giám hiệu; nhìn vào danh sách dạy các môn “đinh”, phụ huynh biết, năm nay, khóa mới lớp nào là lớp chọn.
Bất cứ hiệu trưởng nào, cũng phải đưa giáo viên có năng lực tốt nhất, dù chẳng ưa gì họ, vào dạy lớp chọn.
Chỉ có như thế mới đảm bảo mục đích “mở lớp chọn” của mình, mong muốn của phụ huynh; nếu phân công giáo viên “thường thường bậc trung” sẽ không đảm bảo đào tạo ra “gà đá cho mình”, lấy đâu thành tích để “khoe với người ta”.
Giáo viên chuyên môn yếu, có dám dạy lớp chọn không?
Thực tế, có giáo viên chỉ dạy được một tháng, là xin “đổi chuyên môn với lý do lý trấu”; phần vì áp lực từ “ánh mắt học trò”, “đàm tiếu của dư luận”, “phụ huynh yêu cầu”, kể cả học sinh làm đơn kiến nghị đổi giáo viên.
Dấu giỏi trước học trò, giả khờ, giả dại thì dễ; dấu dốt trước học sinh “lớp chọn”, thật khó hơn hái sao trên trời. Chỉ cần nhìn ánh mắt của chúng, còn chút liêm sỉ là xin đổi lớp ngay.
Có một số ý kiến cho rằng, tạo lớp chọn để “ban phát” lợi ích nhóm, phân công giáo viên “nhóm lợi ích” dạy lớp chọn là thiếu .,.. thực tế. Đố giáo viên yếu chuyên môn “chạy dạy” lớp chọn.
Làm sao xóa lớp chọn?
Lớp chọn sinh ra, đáp ứng nhu cầu học để thi, luyện gà nòi, bệnh thành tích, thói háo danh.
Với cơ chế thi cử hiện nay, thói háo danh, bệnh thành tích, xóa lớp chọn quả là khó. Thế nhưng, không phải là không làm được.
Xóa lớp chọn, cần sự đồng lòng xóa thành tích; sự ủng hộ của tất cả phụ huynh học sinh, trong đó có cả truyền thông, đừng ca ngợi... lớp chọn.
Chỉ cần hiệu trưởng, tập thể sư phạm đồng lòng; cùng kiến tạo môi trường học tập thân thiện, hạnh phúc; đi sâu vào thực học, tự học; hướng tới giáo dục học sinh trở thành người tự do, lớp chọn biến mất.