Khoảng 15 ha rau màu vùng sản xuất chuyên canh xã Thạch Liên (Thạch Hà – Hà Tĩnh) phải bỏ hoang do hạn hán kéo dài. Xót đất, một số nông dân chuyển sang trồng lúa hoặc cố gắng sản xuất rau màu, nhưng lại gặp sâu bệnh tấn công.
15 ha đất trồng rau màu bị bỏ hoang
"Trước đây, chúng tôi “không cho đất nghỉ”, nhưng vụ hè thu 2019 thì đành phải “bó tay” vì thời tiết quá khắc nghiệt. Làm rau bao đời, chưa bao giờ người dân Thạch Liên phải đối mặt với nắng nóng gay gắt như vậy. Nguồn nước tưới vẫn đảm bảo, song nền nhiệt độ quá cao khiến rau màu không thể sinh trưởng, phát triển.
Ban đầu, nhiều hộ cũng ra sức chăm bón nhưng rau chết hàng loạt nên họ quyết định bỏ hoang. Vùng canh tác rau màu tập trung của tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Thọ 1 có tổng diện tích 2,4 ha với 34 thành viên tham gia canh tác, nhưng mùa này đã bỏ hoang tới hơn 2,1 ha” – ông Lê Hữu Trung - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn thôn Thọ 1 cho hay.
Một số diện tích rau màu được chuyển sang trồng lúa
Ông Nguyễn Danh Luận – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Liên thông tin: “Vùng sản xuất rau chuyên canh của xã Thạch Liên tập trung ở các thôn: Khang, Thọ và Nguyên với tổng diện tích 25 ha. Trước nay, đây được ví là vùng “đất vàng” với mỗi ha cho thu nhập trung bình khoảng 200 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, vụ hè thu năm nay, người dân không thể canh tác, phải bỏ hoang khoảng 15 ha. Việc bỏ hoang không chỉ lãng phí đất đai mà cỏ dại xâm lấn mạnh như hiện nay còn bất lợi cho việc canh tác rau vụ Đông sắp tới”.
Rầy trắng hoành hành, giá trị thu hoạch giảm 2/3
Trước đây, cà dừa trái vụ cho thu từ 20 - 25 triệu đồng/sào, song thời điểm này, rầy trắng phá hại, giá trị giảm 2/3
Chưa bao giờ không khí sản xuất trên những cánh đồng rau Thạch Liên lại trầm lắng như bây giờ. Xót của, 10 ha đất chuyên canh vẫn được một số nông dân khai thác sản xuất rau màu và trồng lúa. Tuy nhiên, giá trị của cây lúa so với rau màu thì không đáng kể. Còn những nông dân vẫn kiên trì với rau màu cũng "đầu hàng" trước sâu bệnh gây hại. Bà con vì thế không còn mặn mà ra đồng do sản phẩm thu hoạch chẳng đáng là bao.
1 sào đỗ của bà Võ Thị Hoa bị rầy trắng tấn công mạnh
Bà Võ Thị Hoa nói: “Nhà tôi có 3 sào đất canh tác, thời điểm này năm ngoái cho thu 22 triệu đồng/sào từ cà trái vụ. Còn năm nay buồn lắm, đầu vụ chúng tôi vẫn bắt tay làm nhưng rau màu chết hàng loạt. Sau đó, tôi gắng gượng trồng 1 sào đỗ. Tuy vậy, rầy trắng phá hại nghiêm trọng nên năng suất đỗ chẳng ăn thua gì ”.
Bà Nguyễn Thị Thủy - hộ trồng rau Thạch Liên thông tin thêm: “Diện tích sản xuất của gia đình là 7 sào, song vụ này chỉ trồng 1,5 sào cà dừa, dưa chuột và các loại mướp. Cứ như năm trước, mỗi sào cà dừa ít cũng cho 15 triệu đồng/vụ, nhưng nay rầy trắng phá nát, chỉ thu được tầm 7 triệu đồng. Cà dừa cứ trưởng thành thì lá quăn, hoa rụng, quả phát triển kém và cây chết dần. Dưa chuột thì rầy ăn không leo được giàn, mướp đắng và mướp hương cũng chịu cảnh tương tự. Chúng tôi đã tìm đủ cách, phun nhiều loại thuốc đặc trị theo chỉ dẫn song không có tác dụng, gây tốn kém thêm”.
Dưa chuột mới bén lại bị rầy trắng tấn công, không thể leo lên giàn
Mùa này, cà dừa trái vụ, dưa chuột, mướp đắng, mướp hương… là những cây trồng chủ lực trên cánh đồng rau Thạch Liên. Người dân đã đầu tư từ 1-1,5 triệu đồng/sào cho quá trình sản xuất, song rầy trắng phá hại dẫn đến cây trồng giảm năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị thu hoạch giảm từ một nửa đến 2/3 so với trước.
Mướp đắng...
... mướp hương chưa cho quả được bao nhiêu, cây đã tàn
Ông Bùi Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Liên cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và dịch bệnh hoành hành, chính quyền địa phương đã cử cán bộ chuyên môn xuống đồng ruộng bám nắm tình hình, phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn và hướng dẫn bà con cách chăm sóc cũng như sử dụng các biện pháp phòng trừ song vẫn không hiệu quả”.