Đi dạo qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc những ngày này, người ta sẽ không khó để bắt gặp giữa biển các ký tự Hangul truyền thống 4 chữ cái Latinh được lặp đi lặp lại: MBTI.
4 chữ cái đó xuất hiện hiện trên các biển quảng cáo, đưa vào cuộc trò chuyện hàng ngày, được giới thiệu trong các trò chơi máy tính và thậm chí trên danh sách phát Spotify. Dừng lại ở một quán cà phê, bạn có thể nghe thấy các cặp đôi trong buổi hẹn hò đầu tiên của mình thảo luận về trắc nghiệm tính cách này. Bạn mở một ứng dụng hẹn hò và có thể bắt gặp khoảng một phần ba hồ sơ sẽ bao gồm thông tin kết quả MBTI. Thậm chí đi xem bói, thầy bói cũng có thể dựa vào đây để "phán" về cuộc đời khách hàng.
MBTI là một bài kiểm tra tính cách, được biết đến chính thức với cái tên Myers-Briggs Type Indicator, chia con người thành 16 "kiểu" - mỗi kiểu được gán các đặc điểm tâm lý và một cái tên kết quả gồm 4 chữ cái.
Bài kiểm tra được tạo ra bởi hai người Mỹ, những người ban đầu sử dụng trắc nghiệm với mục đích để phụ nữ chọn công việc, nghề nghiệp phù hợp trong Thế chiến thứ hai. Bài trắc nghiệm đã trở nên phổ biến kể từ đó, nhất là vào những năm 1990 ở Mỹ như một công cụ tư vấn nghề nghiệp trong các trường cao đẳng và văn phòng.
Nhưng sự phổ biến gần đây nhất của MBTI trong giới trẻ Hàn Quốc được coi là bất ngờ và không được báo trước. Các bạn trẻ xứ sở kim chi đã biến MBTI trở thành cơn sốt, đặc biệt là khi nói đến chuyện hẹn hò.
Thay vì lãng phí thời gian với những cách tìm kiếm bạn đời truyền thống hơn, một số "tín đồ" của MBTI, chủ yếu ở độ tuổi 20 và 30, đang sử dụng MBTI để theo đuổi - và loại trừ những đối tượng hẹn hò được cho là không tương thích.
Hẹn hò tốc độ nhờ MBTI
Theo Lim Myoung-ho, giáo sư tâm lý học tại Đại học Dankook, việc sử dụng trắc nghiệm tính cách MBTI trong việc hẹn hò của "Thế hệ MZ" (sự kết hợp giữa Millennials và Gen Z) chủ yếu là vì tính thực tiễn rất cao.
"Trong xã hội này, nếu bạn biết trước loại hình phù hợp với mình thì việc tìm hiểu, hẹn hò, yêu đương được coi là hiệu quả hơn nhiều" Lim nói.
Đó là lý do tại sao Lee Da-hyun, một sinh viên đại học 23 tuổi ở Seoul luôn cho mọi người biết loại MBTI của mình trước khi gặp họ lần đầu tiên.
"Tôi không cần phải tiếp tục giải thích về bản thân hay cố gắng thể hiện mình là ai. Tôi có thể tiết kiệm thời gian bằng cách nói rằng tôi là ENFP (năng động và thân thiện), và họ có thể hiểu tôi là người như thế nào", Lee nói.
Kết quả mà Lee đạt được chỉ củng cố niềm tin của cô và nhiều bạn trẻ khác vào tính chính xác của trắc nghiệm MBTI. Lee đã hẹn hò với kiểu bạn trai được cho là hợp với cô ấy theo MBTI và họ đã ở bên nhau hơn 1.000 ngày.
Nhưng không phải ai cũng bị thuyết phục. Một số chuyên gia tự hỏi liệu đám đông trẻ tuổi có đang bỏ qua các đối tượng tuyệt vời vì suy nghĩ "chắc như đinh đóng cột" là mình sẽ chỉ tìm thấy hạnh phúc mãi mãi trong một tổ hợp bốn chữ cái khó nắm bắt hay không.
Tính tranh cãi của trắc nghiệm nổi tiếng
Hai mẹ con Katharine Cook Briggs và Isabel Briggs Myers đã tạo ra bài trắc nghiệm tâm lý tính cách để đời của họ dựa trên lý thuyết của nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung vào những năm 1940.
Thử nghiệm của họ cho rằng mỗi người nghiêng về hướng ngoại hoặc hướng nội; cảm nhận hoặc trực giác; suy nghĩ hoặc cảm giác; đánh giá hoặc nhận thức. Mỗi "sở thích" này được thể hiện bằng một chữ cái, và sự kết hợp khác nhau của 4 chữ cái tạo nên tổng cộng 16 kiểu tính cách.
Sự tương đối đơn giản của trắc nghiệm là một phần lý do khiến MBTI giữ sức hấp dẫn lâu dài. Vào những năm 1980, MBTI đã trở nên phổ biến trong thế giới doanh nghiệp phương Tây, nơi nó thường được sử dụng để quyết định tuyển dụng và trong các khóa học quản lý.
Nhưng dần dần, sự hoài nghi về giá trị khoa học của trắc nghiệm đã khiến tính phổ biến của nó ở nơi làm việc giảm dần.
Nhiều nhà tâm lý học đã đặt câu hỏi về phương pháp luận của MBTI, cho rằng không có đủ bằng chứng để chứng minh những tuyên bố của nó là chính xác. Đồng thời MBTI cũng hay gây tranh cãi vì sự mâu thuẫn trong kết quả. Nhiều người có thể cho ra kết quả khác nhau trong những lần làm bài kiểm tra vào thời điểm khác nhau.
Các nhà phê bình khác chỉ ra rằng Briggs và Myers không được đào tạo chính thức về tâm lý học, rằng các đặc điểm tính cách của con người phức tạp hơn nhiều so với các "mã nhị phân" mà bài kiểm tra vẽ ra và "loại tính cách" được giới thiệu trước có thể ảnh hưởng đến hành vi và lựa chọn của một người, khiến nó trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
David J. Pittenger, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Marshall viết: "Mặc dù bài kiểm tra dường như đo lường được một số đặc điểm tính cách chung, nhưng các mẫu dữ liệu không cho thấy có lý do để tin rằng con người có 16 loại tính cách. Nhìn chung, MBTI có ít đóng góp thực tế cho sự hiểu biết về hành vi".
Giáo sư tâm lý học Lim cho biết: "Nó rất dễ thực hiện, nhưng cũng có một lỗi là khái quát hóa quá mức".
Lim cảnh báo rằng mọi người có thể "dễ dàng đưa ra câu trả lời sai trong bài kiểm tra này" và việc sử dụng nó như một công cụ để "tránh (hoặc loại trừ) ai đó là đi ngược lại ý định ban đầu của người sáng tạo. Myers và Briggs đã hy vọng nghiên cứu của họ có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn và đánh giá cao sự khác biệt của chính mình".
"Cơn sốt" MBTI
Tuy nhiên, hiện tại, sự thật là những người trẻ Hàn Quốc tỏ ra sẵn sàng bỏ qua những sai sót của bài kiểm tra. Đây cũng không phải là lần đầu tiên họ bị thu hút bởi những thứ như thế này. Vào đầu những năm 2000, nhiều người Hàn Quốc có xu hướng cho rằng nhóm máu tương quan với các đặc điểm tính cách - ví dụ, những người thuộc nhóm máu O được cho là hướng ngoại hơn.
Cũng như "cơn sốt" nhóm máu năm nào, các công ty đã nhanh chóng kiếm tiền bằng cách đua nhau tung ra các sản phẩm theo chủ đề MBTI, từ trò chơi máy tính đến bia và các kỳ nghỉ.
Mới đây, một tựa game tên "MBTI Blind Date" đã được ra mắt, cho phép người chơi trò chuyện với các nhân vật đại diện cho từng loại tính cách trong số 16 loại để đánh giá khả năng tương thích của họ với từng kiểu người. Từ đó, họ có thể rút ra kết luận mình hợp hay muốn hẹn hò với loại tính cách nào. Game ra mắt vào tháng 6 và được tải xuống 1,2 triệu lần trong tuần đầu tiên, theo nhà phát triển Thingsflow.
Giám đốc điều hành Thingsflow Lee Su-ji cho biết: "Nó giống như trò chơi mô phỏng để người ta có thể giảm xác suất thất bại hơn một chút hoặc làm cho mối quan hệ trở nên hiệu quả hơn".
Chưa hết, có công ty du lịch Paradise Group đưa ra các đề xuất về kỳ nghỉ dựa trên loại MBTI của bạn. Công ty Bia Jeju thì phát hành một loạt các lon bia được trang trí bằng các mã chữ cái của 16 loại cá tính.
Nếu không có gì bất ngờ xảy ra, nhiều khả năng MBTI cũng đang quay trở lại với ngành tuyển dụng. Trên các trang web tuyển dụng việc làm của Hàn Quốc hiện đã xuất hiện nhiều thông tin tuyển dụng bao gồm cả yêu cầu về loại tính cách của ứng viên. Ví dụ, vị trí nhân viên tiếp thị sẽ ưu tiên người có tính cách ENFP, những người được cho là "nhiệt tình và thích đổi mới".
Những người trẻ vỡ mộng
Các chuyên gia không chỉ lo ngại về mặt khoa học của MBTI, mà xu hướng đột ngột này còn thể hiện nhiều vấn đề hơn thế.
Giáo sư Lim cho biết sự nổi tiếng của MBTI trong hai đến ba năm qua trùng với đại dịch Covid-19. Một phần của sự hấp dẫn nằm ở tâm lý nhóm, vì mọi người cảm thấy thoải mái khi có thể phân loại mình cùng với những người khác.
"Mọi người có lẽ đã trở nên lo lắng hơn, vì vậy họ cần một nơi để họ có thể tựa vào về mặt tâm lý. Rõ ràng, mọi người cảm thấy an tâm hơn khi có thể đặt mình vào trong một nhóm", giáo sư Lim nói.
Ngay cả khi không có đại dịch, giới trẻ Hàn Quốc vẫn có nhiều điều phải lo lắng. Thị trường việc làm siêu cạnh tranh, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giá nhà đất tăng chóng mặt và văn hóa công sở độc hại thường được cho là nguyên nhân tạo ra một thế hệ thanh niên bất mãn và có cái nhìn bi quan về tương lai.
Vào đầu những năm 2010, Thế hệ MZ thường được gọi là thế hệ "n-po" - ám chỉ những người đã chọn từ bỏ mọi thứ ở cấp độ thứ n: bỏ qua hôn nhân, con cái, quyền sở hữu nhà và thậm chí cả tình bạn.
Nhiều người trẻ xứ Hàn hiện có quá ít thời gian hoặc sự kiên nhẫn để hẹn hò. Đối với một số người, đó chính là lý do mà MBTI được ưa chuộng vì nó rút ngắn được thời gian đáng kể.
Yoon Ji-hye, một sinh viên đại học ở Seoul cho biết cô không thấy "cần phải đầu tư nhiều thời gian" để hẹn hò với một người không phải là người phù hợp.
"Tôi không cảm thấy mình hợp với kiểu T (phân tích và logic), trong khi tôi khá phù hợp với kiểu ESFP (thân thiện, vui vẻ và dễ thích nghi)", Yoon - người tự nhận là ENFP cho biết.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không lành mạnh nếu quá chú trọng vào kết quả MBTI của một người - cho dù đó là trong hẹn hò, tình bạn hay công việc. Ngay cả The Myers-Briggs Company, nhà xuất bản của bài kiểm tra MBTI chính thức cũng lưu ý về sự thận trọng khi làm trắc nghiệm.
Cameron Nott, nhà tâm lý học và giám đốc điều hành khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty cho biết họ "rất hài lòng" về mức độ phổ biến của trắc nghiệm ở Hàn Quốc - nhưng nói thêm:"Mặc dù hẹn hò với một người có sở thích tính cách tương tự có thể có những lợi ích của nó, nhưng tất cả chúng ta đều đã nghe nói về cụm từ 'đối lập thu hút'. Vì vậy, loại trừ một đối tác tiềm năng do có kiểu tính cách MBTI khác có thể khiến bạn bỏ lỡ mối quan hệ thú vị với một người tuyệt vời".
Liệu những người trẻ Hàn Quốc có sẵn sàng nghe theo những lời khuyên đó hay không thì lại là một vấn đề khác.
Nguồn: CNN