Ngay từ thời điểm nhận được lịch nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Nguyễn Thùy Trang (24 tuổi, sống tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã quyết định lựa chọn phương án đi du lịch tránh 4 ngày nghỉ lễ. Cô gái trẻ đã có một chuyến đi Đà Lạt 3 ngày 2 đêm cùng bạn bè vào thời điểm 1 tuần trước dịp nghỉ lễ.
“Đây là chuyến đầu tiên của mình trong năm 2022. Sau khoảng thời gian dài không đi xa và làm việc chăm chỉ, mình cùng mấy đứa bạn muốn nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức đồ ăn tại Đà Lạt nên chúng mình muốn đi chơi một cách thật thong thả, thư thái.
Bản thân mình hợp với loại hình du lịch nghỉ dưỡng, không thích di chuyển nhiều. Mình chỉ chọn đến vài nơi đặc sắc nhất, chứ không cố chỗ nào cũng phải đi bằng được nên Đà Lạt là địa danh đầu tiên mà chúng mình ưu tiên”, Trang nói.
Theo Thùy Trang, việc du lịch vào ngày thường có ưu điểm lớn là tiết kiệm được các khoản chi phí nhiều nhất trong chuyến đi.
“Đi vào ngày thường, các loại chi phí liên quan đến di chuyển, lưu trú ở mức phải chăng và có nhiều lựa chọn. Mình cũng đặt được phòng view đẹp, vị trí trung tâm. Nếu đi đúng dịp lễ, khả năng cao sẽ khó đặt bởi tình trạng "cháy" phòng. Đi sớm hơn như vậy giúp mình tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng/người", Trang chia sẻ.
Từng nhiều lần đến Sa Pa, Đinh Hương (25 tuổi, nhân viên thiết kế) vẫn quyết định quay trở lại “thành phố trong sương” cho chuyến du lịch đầu tiên sau khi các hạn chế đi lại trong nước không còn. Chuyến đi Sa Pa vừa rồi, Hương lựa chọn thời điểm ngay sau kỳ nghỉ lễ 10/3
Vì công ty vẫn duy trì làm việc vào các ngày lễ, Hương không nghỉ dịp 30/4 - 1/5 theo lịch giống số đông. Bên cạnh đó, theo cô gái 25 tuổi, những ngày đó, đồng nghiệp ai cũng có kế hoạch riêng, muốn nhờ người làm thay cũng khó. Do đó, du lịch sớm là lựa chọn thoải mái, vừa tiết kiệm chi phí lại tránh được sự đông đúc.
Theo quan sát của Hương, Sa Pa gần như đã hồi sinh như trước khi xảy ra các đợt dịch. Các quán ăn nhà hàng nổi tiếng dần đông khách trở lại.
Đinh Hương sẽ làm việc xuyên kỳ nghỉ lễ thay vì đi du lịch như mọi khi
“Trước khi đi, mình không kỳ vọng Sa Pa vắng vẻ, ít người du lịch. Thực tế, du khách đổ về vẫn tấp nập, huyên náo. Tuy nhiên, so với thời điểm cuối tuần bình thường, hiện tại lượng người vẫn đang vắng hơn rất nhiều”, Hương cho biết.
Còn trong kỳ nghỉ lễ sắp tới, Hương dự tính sẽ chăm chỉ làm việc. Nếu có nhiều thời gian rảnh và được nghỉ, cô gái trẻ cho biết sẽ dành thời gian ở nhà “cày” những bộ phim đang hot trên mạng xã hội hoặc tranh thủ đọc một vài cuốn sách cô vừa mới được bạn bè tặng nhân dịp sinh nhật.
Dành thời gian cho gia đình
Không chỉ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay mà cả những năm trước đó, Nguyễn Thanh Hà (25 tuổi, content creator) đều không lựa chọn đi du lịch vì sợ đông đúc và chi phí cao. Chàng trai trẻ thường xin nghỉ phép đi chơi trước đó khoảng một tháng và tận dụng kỳ nghỉ dài ngày để về thăm gia đình tại Thái Bình.
“Vì làm việc trong TP Hồ Chí Minh nên để về quê dịp lễ, mình đặt vé từ ngay giữa tháng 3. Tuy nhiên, từ đợt đó đến nay, nhu cầu du lịch, di chuyển cao nên chênh lệch giá cũng không khá hơn là bao. May là đặt sớm nên mình cũng có vé để 28/4 bay về nhà”, Hà nói.
Thanh Hà háo hức về quê cùng gia đình thay vì ở lại thành phố đi du lịch cùng bạn bè
Chàng trai 25 tuổi cho biết, nếu không về quê trong kỳ nghỉ thì anh cũng sẽ ở lại làm việc xuyên lễ để kiếm thêm thu nhập. Xa nhà đã khá lâu nên Thanh Hà cảm thấy rất vui xen lẫn háo hức khi được về quê dịp này.
“Tết vừa rồi mình về nhà được có 2 ngày rồi do công việc gấp lại phải quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc nên chưa có thời gian ở bên gia đình. Đợt này mình xin nghỉ phép cộng với nghỉ lễ là 7 ngày nên mình chắc chắn mình sẽ có khoảng thời gian tuyệt vời bên gia đình”, Thanh Hà bày tỏ.
Vì dịch COVID-19 mà dịp nghỉ lễ 30/4 hai năm nay, Thảo Phương (27 tuổi, kế toán) không thể về quê tại Điện Biên để thăm gia đình. Cả năm, cô chỉ có thể về quê vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
“Năm nay được nghỉ lễ 4 ngày, quê cũng xa Hà Nội nên mình muốn tận dụng thời gian này để về thăm gia đình và bạn bè ở quê. Công việc thời gian này khá áp lực và căng thẳng, mình muốn về bên người thân để cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn.
Càng lớn, mình càng muốn ở gần bố mẹ nhiều hơn nhưng công việc rồi những vấn đề khác trong cuộc sống khiến mình gần như kín tuần, không có dịp nào để về. Cuối năm nay mình cũng lập gia đình nên tự thấy không còn nhiều thời gian ở nhà nữa”, Thảo Phương nói.
Thảo Phương hy vọng sẽ có một kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình và bạn bè
Để về quê nhà tại Điện Biên, Thảo Phương thường phải đi xe khách giường nằm hoặc đặt xe dịch vụ. Những dịp lễ, cô phải đặt vé trước khoảng một tuần để giữ chỗ. Công việc không cho phép nghỉ sớm nên cô gái trẻ chỉ có thể tiết kiệm thời gian bằng cách về chuyến xe muộn của ngày 29/4 để chơi được lâu hơn.
Nếu không về với gia đình, cô gái 27 tuổi sẽ dành thời gian nghỉ lễ để thư giãn, đi cà phê, mua sắm và tâm sự cùng bạn bè. Cô không chọn đi du lịch như trước kia vì sợ cảnh chen chúc đông người, các dịch vụ đều đắt đỏ và không đảm bảo chất lượng.
“Mình thấy may mắn hơn nhiều bạn bè vì sẽ được nghỉ ngơi hoàn toàn, không phải chạy deadline hay mang việc về nhà trong 4 ngày nghỉ lễ. Mình tin là mình sẽ có một kỳ nghỉ trọn vẹn bên gia đình và bạn bè”, Thảo Phương chia sẻ.