“Tiếp tục” để duy trì…
Những năm về trước, cả xóm Phú Bình trong những ngày đầu tháng Bảy Âm lịch luôn tất bật, nhộn nhịp làm đèn lồng để phục vụ dịp lễ Trung Thu. Tuy nhiên, hiện nay, trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại lồng đèn điện tử ngoại nhập, làng sản xuất lồng đèn truyền thống này dần bị thu hẹp và nay chỉ lác đác vài hộ còn bám trụ với nghề.
Để có một chiếc lồng đèn hoàn chỉnh, người nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn như nhập tre, phơi và chẻ tre, kết kẽm, tạo khung đến dán giấy kiếng, vẽ hoa văn trang trí. Công đoạn khó nhất của một chiếc lồng đèn là tạo khung và trang trí hoa văn trên đèn bởi đó là yếu tố quyết định làm nên nét đặc trưng của từng sản phẩm. Cầu kỳ, công phu là vậy… nhưng giá bán chẳng được bao nhiêu. Đó cũng chính là lý do mà người trẻ chẳng mấy ai mặn mà theo nghề.
Một trong số những hộ còn gắn bó với nghề tại Phú Bình là gia đình cô Hồng Thắm. Cô Thắm cho biết: “Hồi trước, nơi đây có trên dưới 100 nhà làm lồng đèn. Qua thời gian, chẳng ai làm nữa. Một phần do công việc này quá vất vả và cũng chẳng đủ sống. Một phần do cạnh tranh không lại với thị trường lồng đèn điện tử… Dần dần, nhiều người không theo nổi nghề và chọn đi làm công việc khác”.
Gia đình cô Thắm theo nghề làm lồng đèn đã hơn 40 năm, cô đã chứng kiến sự chuyển mình của những chiếc lồng đèn Phú Bình qua năm tháng và đến nay vẫn cố gắng tiếp tục làm công việc này để duy trì truyền thống. Những chiếc lồng đèn nơi đây từ lâu đã trở thành một “thương hiệu”.
Không chỉ mang vẻ đẹp của văn hoá truyền thống mà còn là sự khéo léo, tỉ mỉ của những người nghệ nhân gửi gắm vào trong từ sản phẩm mà họ làm ra. Không cầu kì, không có tiếng nhạc vui tai như những loại lồng đèn điện tử, nhưng những chiếc lồng đèn kiếng truyền thống luôn gợi lại cho người dùng, người ngắm ký ức về một mùa Trung Thu ấm áp, đầy tiếng cười trẻ thơ.
Hộp dụng cụ, chiếc kéo cắt kẽm được truyền đi truyền lại đã gắn bó cùng gia đình cô Thắm hơn suốt 40 năm. (Ảnh: Phước Sáng).
“Cha truyền con nối”
Chia sẻ về nghề làm lồng đèn, chú Tùng (60 tuổi) kể lại: “Nghề này từ thời ba mẹ của tôi truyền lại, đến nay, chúng tôi tiếp tục gắn bó, thỉnh thoảng mấy đứa con cũng phụ làm để bố mẹ đỡ vất vả. Công việc tuy cực nhưng vui… Cứ tới Trung Thu là cả nhà háo hức làm lồng đèn. Mình chịu khó “lấy công làm lời”, phần nữa, cũng tự hào vì mình còn giữ được nghề truyền thống”.
Gia đình chú Tùng may mắn hơn nhiều hộ làm nghề khác, sự tâm huyết, kiên trì với nghề của gia đình chú vẫn còn ‘chảy sang’ thế hệ tiếp nối. Chị Hồng Anh (25 tuổi), con gái của chú Tùng sẽ là người tiếp bước chú duy trì, gắn bó với lồng đèn.
Chị Hồng Anh chia sẻ: “Mình rất tự hào với công việc làm lồng đèn, cứ đến dịp Trung Thu thì nhiệm vụ của mình là ngồi vẽ hoa văn trang trí cho những chiếc lồng đèn. Từ nhỏ, mình đã được tiếp xúc với lồng đèn, nên mình có thể làm được tất cả các công đoạn của lồng đèn. Sau này, ba mẹ không làm nổi nữa… chắc mình sẽ tiếp tục gắn bó, phát triển để giữ gìn truyền thống”.
Chị Hồng Anh đảm nhận nhiệm vụ vẽ trang trí cho những chiếc lồng đèn. Công đoạn này là một trong những yếu tố tạo nên “linh hồn” cho từng chiếc lồng đèn. (Ảnh: Phước Sáng).
Theo chị Hồng Anh, bên cạnh tình yêu cho nghề làm lồng đèn truyền thống, người nghệ nhân phải thích nghi và biến chuyển linh động để truyền thống cạnh tranh vị thế với hiện đại hóa bây giờ. Cụ thể là chiếc đèn lồng truyền thống ngày nay cần phải sáng tạo mẫu mã, nét vẽ mới đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên, dù làm gì vẫn phải giữ được nét truyền thống, giữ nó không hòa lẫn vào những chiếc đèn lồng hiện đại.
Chiếc lồng đèn được “thổi hồn” thành Thỏ Ngọc khiến các bạn nhỏ vô cùng hào hứng và thích thú. (Ảnh: Phước Sáng)
Năm nay, thị trường lồng đèn truyền thống có nhiều khởi sắc sau 2 năm dịch bệnh COVID-19. Với giá từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng cho mỗi loại sản phẩm, lồng đèn truyền thống đang ngày càng được ưa chuộng và trở nên hút hàng. Nhiều loại lồng đèn vừa làm xong đã hết hàng, dù chưa đến Trung Thu. Đây là một tín hiệu khởi sắc cho lồng đèn truyền thống nói chung và làng nghề lồng đèn Phú Bình (TP. HCM) nói riêng.