Như thông tin, gần đây, hàng loạt y bác sỹ ở khu vực công nghỉ, chuyển việc. Đang ngồi trên ghế nhà trường, các sinh viên Đại học Y Hà Nội rất quan tâm đến vấn đề này.
Em M. (thực tập sinh khoa Xét nghiệm của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ, tình trạng các y, bác sĩ ở bệnh viện công liên tục chuyển việc vì thu nhập thấp, công việc căng thẳng khiến em suy nghĩ rất nhiều trong những ngày qua.
“Để có thể làm được việc, em cần học 6 năm, thực tập 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề. Để hoàn thành chương trình học, sinh viên ngành Y cần kiên trì và trợ cấp từ gia đình. Nếu ra trường lại có thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cơ bản, làm việc căng thẳng, bị gia đình bệnh nhân đe dọa… là điều không sinh viên ngành Y nào mong muốn” – M nói.
Trả lời câu hỏi sẽ lựa chọn bệnh viện công hay bệnh viện tư sau khi ra trường, M nói: “Bệnh viện ngoài công lập với mức lương hấp dẫn; môi trường làm việc thoải mái, trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, các cơ sở này thường yêu cầu tay nghề cao, phải có tối thiểu 5 năm kinh nghiệm. Vì thế, những sinh viên mới ra trường như em thường thực tập theo giấy giới thiệu và làm việc ở bệnh viện công. Sau khi va chạm với nhiều ca bệnh, có kinh nghiệm, tay nghề được nâng cao, em mới tính làm ở đâu. Khả năng, nếu chỗ nào thu nhập tốt hơn thì em sẽ làm ở đó".
Về giải pháp, M đề nghị: “Bệnh viện công cần đảm bảo thu nhập cho y, bác sỹ, nhất là những người có thâm niên và phải đảm bảo được sự an toàn về thể chất cũng như tinh thần của y bác sỹ”.
N.H.C (sinh viên năm 3, ngành Y Đa khoa, Đại học Y Hà Nội) cho biết, em cũng liên tục cập nhật tình trạng y bác sỹ nghỉ việc qua báo chí. C nói: “Nếu đáp ứng được về kinh tế, đảm bảo nguồn thu nhập, em vẫn muốn làm ở bệnh viện công hơn. Còn về áp lực, thì em thấy bệnh viện công hay ngoài công lập đều có”.
Tương tự, T (sinh viên năm 2 – Y Đa Khoa, Đại học Y Hà Nội) cũng chia sẻ: “Sau khi ra trường, em muốn làm ở bệnh viện công. Tương lai, khi tay nghề và kinh nghiệm em tốt hơn, có điều kiện em sẽ mở thêm phòng khám riêng để kiếm thêm thu nhập”.
Còn T.O (sinh viên năm 2, ngành Dinh dưỡng) lại mong muốn khi học xong sẽ sang Pháp làm việc. “Ngành học của em mới thành lập được 9 năm. Em thấy các anh chị khóa trên em thường đi du học và làm việc ở nước ngoài nhiều hơn. Sang nước ngoài, em được làm việc với trang thiết bị hiện đại, có nguồn thu nhập tốt hơn. Hiện tại, ngoài giờ lên lớp, thời gian rảnh, em học thêm kiến thức chuyên ngành và ngoại ngữ để đạt được ước mơ của mình.” – T.O nói.
Sinh viên đại học Y đi về sau buổi học.
Trao đổi về tâm tư của sinh viên, thạc sỹ, bác sỹ Phạm Tùng Sơn, Trưởng phòng Công tác Học sinh sinh viên và quản lý ký túc xá cho biết: “Bệnh viện công hay bệnh viện ngoài công lập đều khám chữa bệnh phục vụ người dân. Do vậy, sinh viên ra trường làm ở đâu cũng tốt, miễn là được làm việc cứu người và đảm bảo cuộc sống của mình”.
Ông Sơn phân tích, ngành Y có quá trình đào tạo dài, học tập và nghiên cứu liên tục. Sau khi ra trường, nhiều y, bác sĩ mới tốt nghiệp còn phải thực tập ở các bệnh viện công 18 tháng để có chứng chỉ hành nghề nên sau thời gian học tập, gia đình vẫn phải trợ cấp. Khi đi vào chuyên sâu, người của ngành Y vẫn phải học tập, phấn đấu không ngừng nghỉ.
"Vì vậy, thu nhập của ngành Y cần được cải thiện để y bác sỹ vừa có thể duy trì cuộc sống và cần bảo đảm cho y, bác sĩ điều kiện tối thiểu về ăn, mặc, ở đàng hoàng và lo được cho gia đình họ. Họ cần có trang thiết bị đầy đủ, an toàn về thể chất và tâm lý để yên tâm công tác và cống hiến..”, ông Phạm Tùng Sơn chia sẻ thêm.