Lý Phúc Thịnh (sinh năm 1998) và Nguyễn Tấn Tài (sinh năm 1993) là thợ xăm, hiện đang sinh sống, làm việc tại TP. HCM. Mới đây, câu chuyện hiến tóc của Thịnh và Tài đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Khoảng một năm trước khi lên Sài Gòn lập nghiệp, Thịnh bắt đầu nuôi tóc. Anh chia sẻ, lý do nuôi tóc dài là vì mê cổ trang, đồng thời mẹ cũng thích và khen anh để tóc dài đẹp. Về phía Tài, anh vốn thích tóc dài từ khi còn bé. Bên cạnh đó, anh muốn nuôi tóc để hợp mặc đồ cổ trang, quay video đánh đàn.
“Trước khi gặp Thịnh, mình cũng có thử nuôi tóc nhưng có lẽ vì động lực chưa lớn nên chỉ được một khoảng thời gian ngắn, lại cắt. Đến khi gặp Thịnh thì mình mới bắt đầu nghiêm túc và đầu tư hơn cho việc nuôi tóc dài”, Tài trải lòng. Và vì xác định nếu có cắt thì cũng sẽ mang đi hiến nên Tài và Thịnh không nhuộm, không uốn, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào lên hai bộ tóc.
Khi mới nuôi tóc, nhiều người xung quanh không ủng hộ, khuyên cắt đi nhưng vì sự kiên định, có lập trường và cảm thấy bản thân có đủ lý do chính đáng để nuôi tóc dài nên cả hai không bị ý kiến của mọi người ảnh hưởng.
Chia sẻ về những tình huống “khó đỡ” với hai mái tóc dài, Thịnh nhớ lại: “Có những người thể hiện sự hiếu kỳ, thậm chí là kỳ thị và khó hiểu khi lần đầu nhìn thấy tụi mình đi ngoài đường vì style hằng ngày của tụi mình sẽ là những trang phục đen, dài. Tụi mình cũng hay bị nhận nhầm là con gái nữa”.
Đối diện với những điều ấy, Thịnh và Tài lại thấy vui và thoải mái hơn là khó chịu. Cả hai đều có quan điểm rằng việc phải giải thích với tất cả mọi người về vấn đề này không quá cần thiết.
Một số khung ảnh cả hai cùng chụp với mái tóc dài.
Cả hai cũng có nhiều kỉ niệm vui cùng với tóc dài. Khách tới tiệm xăm, thấy Thịnh và Tài có mái tóc dài, thẳng và đẹp nên thường nhờ tư vấn cách chăm sóc tóc. “Tụi mình tư vấn nhiều đến nỗi không nhớ đã tư vấn cho bao nhiêu người. Vui nhất là khi được mọi người khen tóc đẹp như người mẫu quảng cáo dầu gội”, Tài chia sẻ.
“Gia tài” sau 4 năm nuôi tóc của Thịnh và Tài là những chiếc trâm cài và các loại phụ kiện tóc. Thậm chí cả hai phải tự làm một cây trâm dài để búi đủ số tóc.
Một số khung ảnh cả hai cùng chụp với mái tóc dài.
Tuy việc nuôi tóc mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng nhờ cùng nhau làm nên Thịnh và Tài như có thêm động lực để kiên trì chăm sóc tóc suốt khoảng thời gian dài. Đến năm thứ ba, cả hai bắt đầu nghĩ đến chuyện cắt tóc để thay đổi ngoại hình.
Thịnh cho biết: “Trong mùa dịch này, tụi mình không làm từ thiện được nhiều. Tự thấy bản thân may mắn hơn rất nhiều người nên hai đứa muốn làm một việc gì đó lớn lao hơn mọi khi. Và đó lúc lúc tụi mình quyết định đã đến lúc cần hiến tóc”.
Một số khung ảnh cả hai cùng chụp với mái tóc dài.
Đến cuối năm 2021, khi chuẩn bị cắt tóc, Thịnh có lên Facebook để hỏi mọi người về nơi nhận tóc hiến và được biết Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) là một địa chỉ uy tín. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đã gây ra sự gián đoạn cho quá trình tặng tóc. Ngày 6/1, ngay khi biết được Mạng lưới đã mở cửa nhận tóc trở lại, Tài và Thịnh mang ngay hai bộ tóc đến. Độ dài tóc hiến của Tài là khoảng 30cm, của Thịnh là hơn 30cm.
Hai đoạn tóc dài được cột lại gọn gàng để gửi đến Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam.
Thịnh và Tài nói thêm, việc nuôi mái tóc dài đủ tiêu chuẩn hiến tặng không đơn giản. Để hợp lệ, tóc tự nhiên phải có chiều dài tối thiểu từ 25cm trở lên, tóc đã qua xử lý hóa chất (uốn, nhuộm…) phải có chiều dài tối thiểu từ 30cm trở lên. Với tóc xoăn thì không cần duỗi lại, chỉ cần dùng tay kéo thẳng để đo. Tóc đã được cắt và lưu giữ không quá 2 năm kể từ ngày cắt có thể hiến tặng, nhưng phải được bó (buộc, tết, bện) lại thành bộ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên. Đặc biệt, thư viện tóc khuyến khích quyên tặng tóc bạc, tóc “muối tiêu”.
Thịnh và Tài sau khi cắt tóc để hiến tặng.
Bài viết về câu chuyện hiến tóc của Thịnh và Tài được đăng trên fanpage Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam BCNV, đã thu hút nhiều lượt tương tác và chia sẻ của các bạn trẻ. Thịnh tâm sự: “Chúng mình thực sự rất vui vì thấy có nhiều người hơn biết tới và được truyền cảm hứng nuôi tóc để hiến cho các bệnh nhân. Sau này, nuôi tóc dài lại, nếu có cắt nữa thì nhất định tụi mình sẽ tiếp tục dùng phần tóc được cắt để hiến tặng”.
Ngoài hiến tóc, Thịnh và Tài cũng thường xuyên tự tổ chức các hoạt động thiện nguyện để phát gạo cho bà con. Trong tương lai, cả hai dự định sẽ cùng nhau cố gắng làm nhiều hoạt động hơn nữa để giúp đỡ thêm được nhiều người.