Trước đó, Tô Ngọc Hà (sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng) và Phạm Thị Kim Ngân (sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý) không biết nhau do học khác khoa. Chỉ đến khi Đại học Kinh tế Quốc dân công bố danh sách những sinh viên đạt điểm cao nhất trong đợt tốt nghiệp sớm, hai cô gái quê Hải Dương mới bất ngờ khi biết cũng có một người cùng quê, cùng ngày tháng năm sinh và cùng tốt nghiệp đại học với điểm số cao nhất giống mình.
“Có quá nhiều thứ trùng hợp giữa hai chúng em. Đây là điều chúng em chưa bao giờ nghĩ tới”, cả hai nói.
“Sự trùng hợp thú vị”
TS Vũ Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Truyền thông Đại học Kinh tế Quốc dân xác nhận Hà và Ngân là 2 trong 3 sinh viên có điểm tổng kết (GPA) đạt tuyệt đối 4.0/4.0, được trao bằng trong đợt tốt nghiệp sớm của trường năm nay. Ông Nghĩa cho hay đây là “sự trùng hợp thú vị”.
“Năm 2023, trường mới có thủ khoa đầu tiên đạt 4.0 kể từ khi đổi cách tính điểm theo hệ 4 vào năm 2013. Trường hợp của Hà và Ngân là lần đầu xảy ra”, ông Nghĩa nói.
Tô Ngọc Hà và Phạm Thị Kim Ngân là hai nữ sinh đến từ Hải Dương. Ngọc Hà từng theo học lớp chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, trong khi Kim Ngân học tại Trường THPT Hà Đông, đỗ vào Đại học Kinh tế Quốc dân nhờ phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và giải Nhì học sinh giỏi tỉnh môn Hóa.
Dẫu không biết nhau nhưng cả hai đều có điểm chung là ngay từ năm nhất đã đặt mục tiêu phải đạt điểm xuất sắc ở tất cả các môn.
“Việc sớm có mục tiêu, luôn đặt ra kế hoạch học tập giúp em giữ được sự chủ động, tăng hiệu quả trong quá trình học và thi”, Ngọc Hà nói.
Vì thế, ngay từ những buổi học đầu tiên, Hà luôn cố gắng “tận dụng thời gian hiệu quả”, dù không học ở nhà quá nhiều nhưng thời gian lên lớp phải tập trung tuyệt đối, sẵn sàng đặt câu hỏi trực tiếp nếu gặp khúc mắc.
Sang năm thứ 2, ngoài những môn đại cương, sinh viên bắt đầu tiếp cận các môn chuyên ngành. Do phạm vi kiến thức rộng với đa dạng môn học, để tránh phân tán, Hà thường lên thời gian biểu để học từng môn ngay từ đầu kỳ.
“Chẳng hạn trong các môn học, Marketing không phải thế mạnh của em. Với những môn cần sự tập trung, dành nhiều thời gian cho các bài tập như thế, để đạt được mức điểm 4.0, em phải cố gắng từng chút, từ điểm chuyên cần, điểm giữa kỳ, thay vì suy nghĩ ‘Thôi để đến cuối kỳ rồi cố gắng một thể’”.
Tô Ngọc Hà là sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
Cũng giống như Hà, Ngân cho rằng “việc tập trung nghe thầy cô giảng và học ngay trên lớp hiệu quả hơn rất nhiều so với việc chăm chỉ ghi âm đầy bộ nhớ để về nhà nghe lại”.
Đến giai đoạn thi cần ôn tập cùng lúc nhiều môn trong tuần, nữ sinh cũng chia lịch học 2 môn/ngày. Với những môn nào là thế mạnh, đã nắm chắc kiến thức, Ngân thường dành ít thời gian hơn để tập trung cho môn mình chưa tự tin hoặc có lượng tín chỉ nhiều. Nhờ chiến lược học tập như vậy, trong các kỳ, cả Ngân và Hà đều giành trọn vẹn điểm A ở mọi môn học.
Luôn xung phong làm nhóm trưởng trong các bài tập chung
Một điểm chung khác ở cả hai nữ sinh có điểm tốt nghiệp tuyệt đối này, dù không làm cán sự lớp nhưng luôn xung phong làm nhóm trưởng trong các bài tập chung. Theo Ngân, điều này có thể giúp em “kiểm soát sự hoàn chỉnh”, nắm bắt và bao quát các đầu việc.
“May mắn xung quanh em có thầy cô, bạn bè đều rất giỏi, có thể hỗ trợ nhau trong học tập và tìm kiếm các nguồn tài liệu phong phú”, Ngân nói.
Dẫu vậy, nữ sinh cũng cho rằng sự chủ động của mỗi người vẫn là yếu tố quan trọng nhất để đạt kết quả cao trong học tập. Sự chủ động này đến từ việc tự đặt mục tiêu, lên kế hoạch; chủ động nghe và ghi chép bài vở; chủ động đặt câu hỏi cho bạn bè và thầy cô...
Phạm Thị Kim Ngân là sinh viên ngành Hệ thống Thông tin quản lý.
Theo đuổi ngành Hệ thống Thông tin quản lý, Ngân được học cách thiết kế hệ thống thông tin áp dụng trong vận hành doanh nghiệp. Trong nửa năm tốt nghiệp sớm so với bạn bè đồng trang lứa, Ngân đã ứng tuyển và đi làm tại doanh nghiệp với vị trí chuyên viên phân tích nghiệp vụ.
Công việc của Ngân hiện tại là thiết kế cơ sở dữ liệu, giao diện mô phỏng phần mềm, viết các tài liệu nghiệp vụ và kiểm soát chất lượng phần mềm dựa trên yêu cầu của doanh nghiệp.
Dẫu vậy, nữ sinh cho biết nếu có cơ hội vẫn mong muốn được học lên bậc cao hơn ở nước ngoài, sau đó quay trở về giảng dạy dựa trên những kinh nghiệm đã tích lũy được.
Còn với Hà, nữ sinh đang hoàn thiện nốt những học phần cuối cùng của chương trình cử nhân thứ hai - ngành Thương mại điện tử. Đây là chương trình Hà đã học song bằng kể từ khi vào năm 2 đại học.
“Sắp tới đây, em sẽ đi thực tập trong chương trình của ngành học thứ hai. Thời gian này, em cũng mong tiếp tục hoàn thiện bản thân bằng việc học tiếng Trung”.
Với việc sở hữu hai tấm bằng Thương mại điện tử, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Hà mong muốn những kiến thức đã học được sẽ liên kết, bổ trợ cho nhau, từ đó có thể linh hoạt phát triển ngành nghề mình theo đuổi.