Trước đó, vào tháng 5/2021, khi dịch bệnh trên địa bàn Hà Tĩnh diễn biến phức tạp, nhận thấy việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 của các cán bộ y tế vất vả, tốn thời gian, 2 em Lê Anh Tuấn Bằng (lớp 11 A3) và Nguyễn Văn Tình (lớp 11 A8, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh) đã nảy sinh ra ý tưởng sáng chế Máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động.
Sau khi đem ý tưởng này trao đổi với nhà trường, 2 em đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thầy cô, bạn bè. Dự án của 2 em được thầy Nguyễn Xuân Tùng (giáo viên dạy Vật Lý của trường) trực tiếp tham gia hướng dẫn.
Em Nguyễn Văn Tình cho biết: "Đối với dự án này, khó khăn nhất của bọn em đó là phần mua linh kiện. Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa khó khăn buộc chúng em phải tự đến các địa bàn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì mới có thể tìm được các loại linh kiện phù hợp".
Cũng theo em Tình, sau khi đến các địa điểm mua linh kiện trở về các em phải thực hiện cách ly dài ngày khiến việc thực hiện dự án phải gián đoạn, thời gian này 2 em phải thực hiện dự án online. Thời gian hoàn thiện sản phẩm mất gần 7 tháng.
Thời gian hoàn thiện dự án của 2 em mất khoảng 7 tháng.
Máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động có cấu tạo gồm 3 phần, gồm: phần khung, vỏ; phần cơ học (trục của tay gắp, trục của bộ phận lấy mẫu, khay chứa que lấy mẫu, khay đựng ống nghiệm, bộ phận cố định khuôn mặt, cố định kéo cắt que lấy mẫu, béc phun) và phần linh kiện điện tử (các mạch hỗ trợ, vi xử lý Arduino, servo, động cơ bước, các cảm biến, camera nội soi, máy bơm phun khử khuẩn, đèn, loa).
Máy có thể tự động lấy mẫu dịch ngoáy họng, tự động nhắc nhở người lấy mẫu ngồi đúng tư thế đồng thời phun khử khuẩn sau mỗi lần lấy, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Máy có thiết kể nhỏ gọn, dễ sử dụng, tiết kiệm sức lao động cho nhân viên y tế.
Quy trình hoạt động của máy gồm 4 bước: Đầu tiên người lấy mẫu xét nghiệm ngồi vào vị trí, mở nắp bỏ ống nghiệm vào nơi đặt; cố định khuôn mặt chờ loa phát tín hiệu; há rộng miệng dùng cằm nhấn công tắc cho đến khi máy lấy xong mẫu; lấy ống nghiệm đóng nắp, bỏ ống nghiệm vào khay đựng.
Hai em Tuấn Bằng và Văn Tình bên sản phẩm của mình.
Nói về ý tưởng sáng chế dự án này, em Tình cho hay, nhận thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, việc lấy mẫu xét nghiệm để tiến hành cách ly điều trị những người nhiễm khiến cho các nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn, tốn kinh phí cho ngành y tế, nguy cơ lây nhiễm chéo cao. Từ đó, 2 em đã nghiên cứu và chế tạo một thiết bị thay thế các nhân viên y tế trong khâu lấy mẫu.
"Thiết bị có tên gọi Máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động, chúng em hi vọng rằng sản phẩm sẽ góp phần vào công cuộc đẩy lùi đại dịch COVID-19", em Tình tâm sự.
Dự án của hai em đạt giải nhì Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia
Thầy Nguyễn Xuân Tùng cho biết, dự án của 2 em Bằng và Tình mang lại một kết quả khả quan khi giảm bớt sức lao động cho nhân viên y tế.
"Do thời gian hoàn thiện sản phẩm còn hạn chế nên hệ thống khử khuẩn chưa được tối ưu, máy chưa đóng được nắp ống nghiệm. Thời gian tới tôi sẽ hỗ trợ 2 em tiếp tục hoàn thiện máy bằng cách nâng cấp hệ thống khử khuẩn, ứng dụng công nghệ xử lý ảnh trong việc xác định vị trí lấy mẫu, tích hợp test sau khi máy lấy mẫu xong", thầy Tùng cho hay.
Được biết, Đoàn Sở GD&ĐT Hà Tĩnh có 2 dự án được lựa chọn tham dự vòng chung kết. Đó là Dự án “Máy lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tự động” của Tuấn Bằng - Văn Tình và Dự án “Hành vi so sánh xã hội trong học tập của học sinh THPT tỉnh Hà Tĩnh” của các em Trần Thị Diễm Quỳnh, Trương Thị Quỳnh Phương - lớp 11 Sử - Địa, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh. Cả 2 dự án đều đạt giải nhì. Đây cũng là năm Hà Tĩnh có chất lượng giải cao nhất từ trước đến nay.