Hai thiếu niên bị bắt giữ vì vận chuyển lậu 5.000 con kiến

Xu hướng buôn bán động vật hoang dã đang chuyển sang các loài nhỏ và ít được biết đến.

Hai thiếu niên người Bỉ, Lornoy David và Seppe Lodewijckx (cùng 19 tuổi), bị buộc tội buôn lậu động vật hoang dã sau khi bị phát hiện mang theo 5.000 con kiến được đựng trong các ống nghiệm tại một nhà nghỉ ở hạt Nakuru, Kenya.

Tại phiên tòa sơ thẩm ở Nairobi ngày 16/4, hai thanh niên này tỏ ra bối rối và cho biết họ chỉ "thu thập kiến cho vui" mà không biết rằng hành vi đó là vi phạm pháp luật. Gia đình hai bị cáo đã có mặt tại tòa để động viên tinh thần.

Theo Cơ quan Bảo tồn động vật hoang dã Kenya (KWS), số kiến bị thu giữ bao gồm messor cephalotes -  một loài kiến đỏ có kích thước lớn đặc trưng của vùng Đông Phi.

Hai thiếu niên bị bắt giữ vì vận chuyển lậu 5.000 con kiến- Ảnh 1.

Hai thiếu niên người Bỉ (cùng 19 tuổi) đã thừa nhận các cáo buộc liên quan đến việc sở hữu và buôn bán bất hợp pháp kiến chúa sống để bán làm thú cưng lạ. (Ảnh: AP)

KWS nhận định việc buôn lậu kiến không chỉ vi phạm quyền chủ quyền sinh học của Kenya mà còn tước đoạt những lợi ích tiềm năng về sinh thái và kinh tế của cộng đồng địa phương cũng như các cơ sở nghiên cứu. Cơ quan này cũng cảnh báo về xu hướng buôn bán động vật hoang dã đang chuyển từ các loài lớn như voi, tê giác và tê tê... sang các loài nhỏ hơn nhưng có vai trò sinh thái quan trọng.

Theo giới chức, hai nghi phạm người Bỉ bị bắt tại một nhà nghỉ, nơi lực lượng chức năng phát hiện 5.000 con kiến được chia vào 2.244 ống nghiệm có bông gòn để duy trì sự sống trong thời gian dài.

Hai thiếu niên bị bắt giữ vì vận chuyển lậu 5.000 con kiến- Ảnh 2.

(Ảnh: AP)

Giới chức định số kiến bị bắt giữ có giá lên đến 1 triệu shilling Kenya (tương đương 7.700 USD), tuy nhiên giá trị cụ thể có thể thay đổi tùy theo loài kiến và thị trường tiêu thụ.

Ông Philip Muruthi, Phó Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã châu Phi, cho biết kiến đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái như cải tạo đất, hỗ trợ quá trình nảy mầm và làm nguồn thức ăn cho nhiều loài chim. Ông cảnh báo việc buôn bán kiến có thể dẫn đến rủi ro về dịch bệnh khi vận chuyển ra nước ngoài.

"Ngay cả khi có hoạt động thương mại, cũng cần phải được kiểm soát và không ai có quyền mang tài nguyên sinh học của chúng ta đi một cách vô tội vạ như vậy", ông Muruthi nhấn mạnh.