Hàn Quốc đối phó khủng hoảng nhân khẩu học

Những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản hiện nay ở Hàn Quốc không còn muốn sinh con hoặc không kết hôn.

Theo AP, điều này khiến dân số Hàn Quốc sụt giảm lần đầu tiên vào năm 2021, dẫn đến nỗi lo thiếu hụt lao động và chi tiêu phúc lợi tăng (số người cao tuổi tăng lên trong khi người nộp thuế thì giảm mạnh). Theo AP, một kịch bản như thế đe dọa gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này.

Nỗi lo trên không phải không có cơ sở bởi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc hồi tháng 9 từng đưa ra dự báo u ám rằng dân số nước này sẽ giảm từ mức 52 triệu người hiện nay xuống còn 38 triệu vào năm 2070, trái ngược với việc dân số thế giới sẽ tăng từ mốc 8 tỉ hiện tại lên 10,3 tỉ trong cùng giai đoạn.

Từ năm 1970 đến năm 2021, tỉ lệ sinh của Hàn Quốc giảm đến 82,2%. Theo Korea Times, dân số Hàn Quốc đang già đi nhanh chóng và được dự đoán trở thành quốc gia già nhất thế giới vào năm 2070. Khi đó, chỉ 46,1% dân số nước này trong độ tuổi lao động (15-64 tuổi).

Cũng theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tổng tỉ suất sinh (TFR) - tức số trẻ em trung bình mà mỗi phụ nữ sinh ra trong suốt độ tuổi sinh đẻ - chỉ là 0,81 vào năm 2021. Đây là con số thấp nhất thế giới trong năm thứ 3 liên tiếp và nó cũng thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế để bảo đảm sự ổn định về nhân khẩu học là 2,1.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc cũng cho thấy phụ nữ Hàn Quốc ngày càng sinh ít con. Một phụ nữ trung bình sinh 4-6 con vào những năm 1950-1960 nhưng con số này giảm xuống 3-4 con vào những năm 1970 và dưới 2 trẻ vào những năm 1980.

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, số trẻ được sinh ra ở nước này trong năm 2021 là 260.600, giảm mạnh so với mức 691.200 của năm 1996.

Hàn Quốc đối phó khủng hoảng nhân khẩu học - Ảnh 1.

Học sinh làm bài kiểm tra tại một trường học ở thủ đô Seoul - Hàn Quốc. Ảnh: REUTERS

Nhiều thanh niên Hàn Quốc nói họ không cảm thấy có nghĩa vụ phải lập gia đình, viện dẫn thị trường việc làm đang ảm đạm, nhà ở đắt đỏ, tình trạng bất bình đẳng giới và xã hội, chi phí nuôi con tốn kém trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt.

Phụ nữ cũng phàn nàn về văn hóa gia trưởng dai dẳng, buộc họ vừa phải làm nhiều việc hơn để chăm sóc con cái vừa chịu đựng sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Theo chuyên gia về chính sách dân số Lee So-Young từ Viện Y tế và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc, nhiều người không bận tâm đến việc có con vì tin rằng con cái không thể có cuộc sống tốt hơn mình.

Trong khi đó, chuyên gia Choi Yoon Kyung từ Viện Chăm sóc và giáo dục trẻ em Hàn Quốc chỉ ra thực tế nhiều người không vào được trường tốt và không thể có công việc như ý, "không thể hạnh phúc" khi kết hôn và sinh con vì Hàn Quốc hiện thiếu các mạng lưới an sinh xã hội tiên tiến.

Hàn Quốc đã và đang đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ các gia đình sinh nhiều con. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng tỉ lệ sinh giảm quá nhanh nên các biện pháp này không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Trả lời AP, cô Seo Ji-seong (38 tuổi), người sắp sinh con thứ 5, cho biết gia đình mình được chuyển đến một căn hộ miễn phí ở TP Anyang và nhận được các sự hỗ trợ khác từ chính phủ. Tuy nhiên, cô thừa nhận việc nuôi 4 người con thời gian qua gặp không ít thách thức.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã ra lệnh các nhà hoạch định chính sách tìm giải pháp hiệu quả hơn cho cuộc khủng hoảng.

Ông cho biết tỉ suất sinh của nước này đang giảm mạnh mặc dù Seoul đã chi 280.000 tỉ won (210 tỉ USD) trong vòng 16 năm qua để cố gắng xoay chuyển tình thế. Trong cuộc họp vào tháng rồi, giới chức Hàn Quốc cho biết sẽ sớm đưa ra các biện pháp toàn diện để đối phó những thách thức nhân khẩu học.