Anh Trần Thanh Hải năm nay 38 tuổi còn vợ là chị Nguyễn Kim Ngân, 34 tuổi, có 1 người con là Trần Gia Nghi đang học lớp 3. Hiện tại vợ chồng anh sống trong căn nhà cấp 4 tại khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Căn nhà vợ chồng chị xây cách nay 2 năm đó là sự mơ ước cũng như nỗ lực trong suốt hơn 15 năm qua của cả hai người. Anh Hải cho biết, 6 năm vợ chồng ở nhà trọ, dành dụm mua miếng đất rồi được mạnh thường quân hỗ trợ cùng với số tiền anh tích góp được để xây căn nhà cho riêng mình. "Căn nhà đó là niềm mơ ước mà chưa bao giờ nghĩ tới nhưng giờ trở thành hiện thực", anh Hải vui mừng chia sẻ.
Theo anh Hải, với người bình thường chuyện mưu sinh hằng ngày đã là khó huống chi đối với người khuyết tật càng khó hơn, vả lại cả hai nuôi thêm con nhỏ ăn học nên vô cùng vất vả. Nguồn sống chủ yếu của hai vợ chồng từ bán tranh 3D và sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho khách du lịch, tuy nhiên dịch COVID - 19 hồi đầu năm đến nay khiến mọi hoạt động hầu như dừng lại, gia đình anh gặp không ít khó khăn, bán chủ yếu qua online.
Vợ chồng anh Hải, chị Ngân bán sản phẩm
Năm lên 3 tuổi, cả hai vợ chồng bị sốt bại liệt khiến hai chân teo dần không đi lại được. Anh Hải là con út trong gia đình 9 anh em ở huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) còn Ngân là chị cả trong gia đình 3 chị em, quê ở xứ sen hồng Đồng Tháp. Như là duyên nợ, từ hai người xa lạ cùng đến Cơ sở Nhịp cầu (Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ) học nghề thủ công mỹ nghệ năm 2004.
Chị Ngân cho biết, không muốn là gánh nặng cho gia đình nên quyết tâm học nghề để nuôi bản thân nên khi nghe trên radio biết ở Cần Thơ có dạy là đăng ký tham gia. Chị Ngân từ tỉnh khác đến, lại hơi rụt rè, nhút nhát, còn Hải tính tình hòa đồng, cần cù, nhiệt tình, thường hay giúp chị Ngân trong công việc.
Chính sự nhiệt tình của anh Hải đã chiếm được cảm tình của chị Ngân từ lúc nào không biết, mãi cho đến khi hết khóa học 6 tháng. Khi ấy tất cả các học viên đều trở về quê, hai người băn khoăn có nên gắn bó, trụ lại mảnh đất Tây Đô đầy duyên nợ này để tiếp tục đi đến tương lai. Cả hai đồng ý và tình yêu bắt đầu từ đó.
"Khuyết tật đi lại khó khăn, nhất là lúc ốm đau, bệnh tật. Trong một lần bệnh anh luôn bên cạnh và chăm sóc tận tình, mình cảm nhận được sự chân thành từ trái tim của anh", chị Ngân tâm sự.
Đam mê với nghề
Theo chị Ngân, anh Hải là người có ý chí cầu tiến, đam mê với nghề. Còn anh Hải nói rằng, vợ đã hi sinh cho mình nhiều thứ, mình phải lấy sự chân thành để đáp lại tình yêu thương cũng như sự hy sinh của vợ dành cho mình. Với anh, hạnh phúc không đâu xa, không cần phải kiếm thật nhiều tiền mà chỉ là sự chân thành của cả hai để vun đắp cho mái ấm gia đình hạnh phúc.
Sản phẩm cá koi 3D của anh Hải
Hiện tại, anh Hải vẫn hằng ngày miệt mài để cho ra những chú cá vàng, cá koi 3D tuyệt đẹp. "Để bức tranh có hồn và thể hiện được cái “thần” của sản phẩm, mình phải chăm chút từng nét một. Hơn nữa, còn đòi hỏi phải kiên nhẫn, tỉ mỉ, sáng tạo và trau chuốt trong từng nét vẽ để đảm bảo độ chính xác giữa các lớp. Bởi vì, thông thường phải vẽ từ 4 đến 5 lớp vẽ mới định hình thành một chú cá", anh Hải nói.
Sau vài năm, anh Hải đã cho ra đời hàng trăm sản phẩm với mẫu mã khác nhau như: cá koi, rùa, hoa sen, phong cảnh… trong đó cá koi vẫn là hình ảnh chủ lực trên những sản phẩm của anh.
Hiện tranh cá koi 3D được nhiều người yêu thích và xem đó là một loại tranh phong thủy với ý nghĩa mang tài lộc. Còn vợ anh vẫn miệt mài tạo ra nhiều sản phẩm thủ công như móc, khóa... để bán cho khách du lịch. Chị quan niệm 'tàn nhưng không phế' và có thể đóng góp cho xã hội như bao người khác.