Ở lại hay về không do mình quyết định
Mình kết thúc năm học vào cuối tháng 5, khi này tình hình dịch COVID-19 đang trở nên phức tạp khắp nơi trên thế giới. Trong khi đó, cuộc sống và tình hình chung ở Đài Loan rất an toàn. Công tác phòng chống dịch tại đây được tổ chức thực hiện cực kỳ kỹ lưỡng.
Chẳng hạn như ở trường Đại học Sư Phạm Đài Loan, nơi mình đang theo học, có áp dụng rất nhiều biện pháp phòng dịch an toàn. Để vào cổng trường, mọi người đều phải bước qua máy quét thân nhiệt hàng ngày, thang máy được khử trùng liên tục.
Thậm chí phương tiện di chuyển công cộng như xe buýt cũng xịt khử trùng sau mỗi chuyến. Chính vì thế mà sau khi bàn bạc với gia đình, mình quyết định không quá đặt nặng chuyện về nhà hay ở lại. May mắn là visa của du học sinh cũng được gia hạn thêm.
Gia đình ủng hộ mình ở lại Đài Loan và tiếp tục việc học. Ảnh: Hannah Phạm.
Nhưng cho đến tháng 6, tin không vui ập đến khi mình nhận được thông báo phải trở về Việt Nam xin cấp lại visa thì mới có thể tiếp tục nhập học năm tới. Trong tâm thế hoang mang, mình tức tốc đến Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc để đăng ký chuyến bay nhân đạo trở về nhà.
Không ai bị bỏ lại phía sau
Mình thấp thỏm chờ đợi “được gọi” khá lâu, cho đến khi nghe tin tháng 7 sẽ mở lại đường bay quốc tế thì cũng vào xem, tìm chuyến bay. Tuy vậy, mình chưa kịp đặt thì các chuyến lại bị các hãng huỷ. Đến tận cuối tháng 7, mình tìm đến Văn phòng Đại diện một lần nữa và được các anh chị thông báo rằng những người từng đăng ký chuyến với mình hồi tháng 6 đã về nước hết rồi.
Cảm giác khi nghe tin này thật sự suy sụp, nhưng may mắn là các anh chị cũng giúp mình đăng ký lại chuyến bay nhân đạo khác và bảo mình về nhà đợi điện thoại.
Một chút hy vọng loé lên khi tháng 8, đường bay quốc tế thật sự dự định mở lại và mình đã mua được vé trở về đầu tháng. Thất vọng cũng thật nhanh, khi mình đã soạn xong sẵn hành lý, chia tay chị chủ nhà thì nhận được tin chuyến bay lại bị huỷ. Lúc này chỉ có một cảm giác là hụt hẫng.
Cảm xúc vừa tuột xuống, mình lại dọn đồ trở ra thì nhận được điện thoại từ Văn phòng đại diện thông báo có chuyến bay về Cam Ranh, rồi hướng dẫn thủ tục mua vé. Khi đó cách ngày bay chỉ còn 1 tuần, mình vừa mừng nhưng cũng vừa lo lắng không biết có thật sự được bay không. Suốt tuần đó, mình hồi hộp còn hơn chờ kết quả học bổng.
Chuyến bay chưa từng có trong trí tưởng tượng
Cho đến ngày ra sân bay, mình vẫn không dám vui mừng quá sớm, vẫn không dám tin là cuối cùng mình cũng đã được về nhà với gia đình.
Giá vé máy bay cực cao hơn hẳn bình thường nhưng mình có thể hiểu vì tính chất đặc biệt hơn. Khi đến "check-in", mỗi người được phát một bộ đồ bảo hộ kéo kín trùm từ đầu đến chân gồm quần áo liền, kính bảo hộ, khẩu trang vải, găng tay y tế, bao giày.
Bạn Hannah Phạm, sinh viên Đại học Sư Phạm Đài Loan. Ảnh: Hannah Phạm.
Trên máy bay, hơn 200 người đều mặc như nhau, trùm kín, ngước mắt nhìn sơ qua mình vẫn không thể tưởng tượng nổi có một ngày mình ở trên một chuyến bay chỉ có trong phim ảnh thế này. Bầu không khí trở nên căng thẳng hơn khi mọi người bắt đầu nói về đại dịch COVID-19. Cả chuyến bay mình đã thực sự hồi hộp đến mức không dám mở khẩu trang ra để ăn uống.
Không khí căng thẳng bao trùm sân bay ở Đài Bắc. Ảnh: Hannah Phạm.
Khi hạ cánh, ngoài việc thở phào vì về đến nhà thì sự hồi hộp, lo lắng vẫn bao trùm. Thật sự chuyến bay này mình sẽ không thể nào quên.
Xuống đến nơi, mọi người được yêu cầu để hành lý qua một bên, xịt khử trùng toàn bộ, sau đó phải bước chân vào một thau dung dịch sát khuẩn để làm sạch đế giày mới vào khu chính của sân bay.
Không khí thật sự căng thẳng, quả thật có thể cảm nhận được là cả thế giới đều đang trong trận chiến thực sự với dịch bệnh.
Trong sân bay, thay vì vẻ nhộn nhịp đông đúc, người đến người đi, trò chuyện rôm rả thì giờ là sự im lặng, nghiêm túc theo quy trình. Tất cả mọi người trong sân bay đều mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo khẩu trang, kính, chỉ khác nhau màu trắng hay xanh để phân biệt thôi.
Cuộc sống cách ly như đi học quân sự
Lúc bắt đầu điền tờ khai y tế, mình mới có thời gian thở ra nhưng vẫn không thể quen được không khí nghiêm trọng này. Chờ khoảng 1-2 tiếng thì mọi người được xếp hàng làm thủ tục check-in và được phân ra các xe chở về trung tâm cách ly tập trung, tất nhiên vẫn mặc đồ bảo hộ trùm kín.
Mọi người thực hiện biện pháp hạn chế dịch bằng cách ngồi theo mô hình so le. Ảnh: Hannah Phạm
Trung tâm cách ly mình được phân đến cơ sở vật chất khá mới và sạch sẽ, nhưng có lẽ là vì 2 ngày trước đó có một ca bệnh dương tính trong trung tâm (đã được đưa đi chữa trị) nên các chú yêu cầu mọi người chỉ ở trong phòng, không được xuống sân.
Khu vực cách ly tập trung của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng. Ảnh: Hannah Phạm.
Đây là khu vực của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng nên mình như đang được trải nghiệm cuộc sống đi học quân sự đúng nghĩa luôn. Mỗi người được phát 1 “combo quân sự” với chăn, gối, 1 kem đánh răng, 1 bàn chải, 1 khăn mặt, 1 nước muối súc miệng. Mỗi phòng có 3 chậu, 2 xô nước, bột giặt, 2 ca, móc treo đồ, thanh treo đồ, thức ăn và nước uống cũng được phát tận phòng. Wifi được cung cấp miễn phí, đủ để liên lạc với gia đình. Chỉ một điều mình bất ngờ là chuyến bay của mình có tận hơn 130 chị gái đang mang thai, vác bụng to vào chung khu cách ly. Việc sắp xếp chỗ ở cho mọi người thật sự đúng là không dễ dàng gì với các anh chị quản lý khu cách ly.
Mình về ngay thời điểm mọi người đều phải gồng mình chống dịch vì thế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng chỉ 14 ngày thôi mà, dù sao đi nữa điều tốt đẹp nhất là mình cũng đã được về nhà và có một trải nghiệm thực sự sẽ nhớ mãi trong cuộc đời.