Đã 5 năm kể từ khi rời quê nhà để đến Hà Nội học tập và sinh sống, chưa khi nào mà Phạm Văn Quang (23 tuổi, nhân viên ngân hàng) gọi điện về nhà thường xuyên như vậy. Trước khi có dịch, mỗi tháng Quang chỉ gọi về nhà 2, 3 lần, chủ yếu là khi cần đóng tiền nhà hay cần hỗ trợ việc gì đó thì Quang mới gọi.
“Thú thực là từ khi sống xa nhà, không phải là mình quên mà là mình ngại không muốn gọi về nhà vì không có nhiều điều muốn kể cho bố mẹ. Vậy nhưng khi dịch bệnh đến, điều đó đã thay đổi hoàn toàn”, Quang nói.
Khoảng thời gian sống trong tâm dịch và thực hiện giãn cách xã hội, ngày nào Quang cũng gọi về cho gia đình. Chàng trai trẻ quan tâm đến công việc, sức khỏe của bố mẹ, anh chị, những chuyện lặt vặt ở nhà thời giãn cách và cũng chia sẻ tình hình của bản thân với gia đình. Chia sẻ nhiều hơn với gia đình, Quang thấy yên tâm hơn khi biết mọi người vẫn ổn và cũng dễ chịu hơn khi không phải giữ những áp lực một mình.
Khi cuộc sống thường ngày và các mối quan hệ quan trọng bị dịch bệnh xen ngang, từng giây, từng phút có quá nhiều mất mát xảy ra, những người trẻ vốn quen với cuộc sống vội vã chợt giật mình nhận ra những giá trị, kết nối gia đình đã bỏ lỡ trong một thời gian dài.
“Cuộc sống bình thường sẽ tiếp tục hậu đại dịch, những người trẻ như mình sẽ tiếp tục lao ra ngoài với những ước mơ và đam mê to lớn. Vậy nhưng mình hiểu rằng, mỗi người đều cần phải có trách nhiệm với gia đình, với những người xung quanh vì khi gặp khó khăn, gia đình luôn dang rộng cách tay bao bọc, che trở và không để ta bước đi một mình”, Quang chia sẻ thêm.
Kỷ luật với bản thân và chuẩn bị các kế hoạch cho tương lai
Trước khi dịch bệnh xuất hiện, chưa bao giờ mà Nguyễn Hàn My (23 tuổi, nhân viên marketing) nghĩ sẽ có những ngày ngồi trao đổi một cách nghiêm túc với bạn bè, gia đình những kế hoạch trong tương lai về tài chính, bảo hiểm, chế độ sức khoẻ... Những điều vốn được coi là xa lạ như vậy giờ lại được cô gái trẻ lên kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng.
“Mình đã từng sống không có kỷ luật, nề nếp. Đó là lý do mà những năm qua mình cứ quay cuồng, chậm chạp đón nhận mọi thứ trong cuộc sống. Đến khi thấy người bạn thân “nghiện” mua sắm của mình phải tiết kiệm từng đồng để gửi về phụ giúp gia đình, mình mới nhận ra mình đang lãng phí thời gian và sự giúp đỡ của những người quan tâm mình”, Hàn My kể.
Đối với Hàn My, dịch bệnh Covid-19 giúp cô gái trẻ kỷ luật hơn với bản thân, luôn lập kế hoạch và dự trù sẵn với những điều có thể xảy đến
Từ thời gian biểu mỗi ngày, việc ăn gì, làm gì, học gì đến những kế hoạch dài hơi như sẽ sử dụng tài chính như thế nào trong thời gian tới, lựa chọn bảo hiểm nào, khám sức khỏe định kỳ… đều được Hàn My lên kế hoạch cụ thể và thực hiện trong nhiều tháng qua, giúp cô gái trẻ thoải mái hơn trong tinh thần, luôn tràn đầy năng lượng tích cực mỗi ngày.
Covid-19 khiến tầm nhìn mỗi người thu “ngắn" hơn so với bình thường khi những điều không ai lường trước được đều bất ngờ xảy ra. Nhưng cũng vì thế mà nhiều bạn trẻ đã biết “lo xa", biết chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy đến trong tương lai.
“Đối với mình hiện tại, điều quan trọng nhất là phải học cách lên kế hoạch cho chính mình, để sự “tự do" không còn là “rủi ro”. Những ngày bình thường mới đã trở lại, chúng ta đang sống chung, thích ứng cùng dịch. Vậy nhưng để có thể hết mình cho tương lai, điều quan trọng là phải luôn dự trù những gì xảy đến”, Hàn My chia sẻ.
Quyết tâm với mục tiêu và kiên định với đích đến
Dịch bệnh Covid-19 đã phá hủy kế hoạch, mục tiệu của nhiều người, khiến họ phải “quay xe" đột ngột trên hành trình của mình. Có những người không may mất đi công việc mình đang làm nhưng có những người lại sẵn sàng, chấp nhận từ bỏ những gì đã dành thời gian dài đồng hành để rẽ lối theo đuổi đam mê thật sự của mình.
Đã từng sợ sẽ thất nghiệp, không kiếm được tiền nếu bỏ việc nhưng sau một thời gian dài suy nghĩ, Nguyễn Minh Đạt (23 tuổi, nhân viên ngân hàng) cũng đưa đến quyết định từ bỏ tất cả, bắt đầu lại với đam mê của mình.
“Xung quanh mình, không ít người mong muốn đổi việc nhưng bất thành. Mình cũng vậy, mình đã từng rất sợ thất nghiệp khi công việc hướng dẫn viên của mình không hề suôn sẻ trong gần 2 năm qua.
Thế giới ngoài kia đang biến động mạnh, ai cũng sẽ trở nên thận trọng hơn trước những quyết định của mình nhưng nếu không thử một lần đánh đổi, có lẽ mình sẽ không bao giờ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của bản thân”, Minh Đạt tâm sự.
Minh Đạt không ngại thay đổi công việc để thích nghi với cuộc sống mới và theo đuổi đam mê của bản thân
Dành thời gian học thêm nhiều kỹ năng khác để tự phát triển bản thân, Minh Đạt hiện tại đang làm cùng lúc 2 công việc. Vào ban ngày, chàng trai trẻ làm việc tại một ngân hàng. Đến tối, Minh Đạt làm thêm công việc tại một quán ăn sushi. Hai công việc đó không những giúp Đạt cải thiện ngoại ngữ tiếng Nhật của mình mà còn giúp chàng trai kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và có một khoản tiết kiệm kha khá cho những dự định của bản thân.
Minh Đạt chia sẻ: “Đại dịch xảy ra khiến mình càng trân trọng cuộc sống hơn, biết nghĩ thấu đáo cho tương lai, luôn giữ cho bản thân một đích đến và học cách tự mình lớn lên. Đi tìm những con đường mới cũng là một cách để tiếp tục hành trình của cuộc đời dù chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng đó chính là cách để mình có trách nhiệm, trưởng thành và kiên cường hơn”.
Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong hai năm vừa qua đánh dấu bước ngoặt với sự nghiệp của nhiều người trẻ. Nó tác động mạnh lên họ đúng vào lúc vừa khởi đầu sự nghiệp và đang thiết lập hành trình của cuộc đời. Có người vừa tốt nghiệp, đang lựa chọn nghề; có người đang đi tìm một nửa của mình; có những người đang nỗ lực mua căn nhà cho riêng mình…
Với không ít những người trẻ, thời gian này có thể coi là "giờ cao điểm" trong cuộc đời họ khi mà rất nhiều quyết định "trọng đại" được đưa ra trong một quãng thời gian ngắn. Giờ đây, khi mà dịch bệnh dần được đẩy lùi, giới trẻ đang nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi và tích cực thay đổi bản thân để hướng tới những điều tốt đẹp hơn trong tương lai.