Hiện tượng lon nước ngọt tung tóe trong tủ lạnh gây ngỡ ngàng dân mạng và cả chủ bài đăng trên diễn đàn MXH. Tất cả những thắc mắc bỗng được một thành viên diễn đàn giải đáp cặn kẽ và vô cùng logic.
Mới đây, một hiện tượng khá lạ lẫm đối với nhiều người đã được một thành viên diễn đàn đăng tải nhờ cộng đồng mạng giải đáp, cụ thể: "Sáng sớm dậy chồng bảo: “Tí em mở tủ lạnh đi có cái hay lắm đó”. Tò mò chui ra mở liền. Ối trời đất ơi, hay ghê gớm luôn. Thì ra đây là hậu quả của việc tối qua ổng muốn lon nước nhanh lạnh nên để tủ đá nhưng lu bu rồi quên. Ai biết nguyên nhân vì sao như vậy không, lý giải giúp mình với ạ. Dọn mệt nghỉ…".
Bài đăng thu hút rất nhiều ý kiến bày tỏ sự ngạc nhiên nhưng cũng có rất nhiều "chuyên gia mạng" đã thể hiện sự am hiểu của mình khi giải đáp cặn kẽ và hợp lý về hiện tượng này. Ý kiến nhận được nhiều lượt like nhất: "Phase lạnh: Khi Lạnh thể tích nước nở ra -
Tới một mức nào đó vỏ nhôm không chịu nổi thì chỗ có cấu trúc yếu nhất sẽ vỡ... Lưu ý cơ chế vật lí ở đây là tăng thể tích: khoảng cách của các phân tử CO2 và nước tách xa nhau ra. Chúng đập vào thành lon nhôm tạo nên áp lực. Không phải tăng khối lượng: vì theo định luật bảo toàn khối lượng thì lon này là một hệ kín, vật chất không sinh ra cũng không tự mất đi".
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến mang tính chất pha trò nhận nhiều like không kém: "Mình không phải chuyên gia nhưng theo như mình nghĩ thì có thể do chồng bạn đã để lon nước trong ngăn đá tủ lạnh quá lâu trong ngăn đá, còn lý do tại sao thì mình cũng không rõ bởi như mình nói từ đầu là mình không phải chuyên gia."; "Nguyên nhân chính là do cắm điện tủ lạnh chứ ko phải là cho lon nước có gas vào ngăn đá nhé"; "Ko quan tâm đến nguyên nhân lắm, nhưng chồng gây ra xong sáng dậy bảo vợ dọn thì ko vui vẻ gì cả"...
Ngoài ra cũng có nhiều "chuyên gia mạng" khác giải đáp khá logic nhưng tạo nên nhiều tranh luận: "Trong nước ngọt có ga bão hòa, khi nhiệt độ trong lon giảm thì mức bão hòa giảm xuống và ga trong nước ngọt thoát ra ngoài. Khi giảm sâu quá và đóng đá thì ga không có chỗ mà hòa tan nữa, sẽ thoát ra hết. Áp suất trong lon quá lớn và..."; "Nhiệt độ nước càng thấp thì độ hòa tan của khí trong nước càng giảm và giảm gần về 0 khi nước ở thể rắn. Mà trong pepsi có rất nhiều gas, khi làm lạnh lon nước đến một mức độ nào đó mà áp suất khí gas trong lon vượt quá mức chịu đựng của vỏ lon"...
Theo tư vấn từ một hãng điện máy có tiếng thì không nên cho nước ngọt vào ngăn đá tủ lạnh bởi khi được đặt trong nhiệt độ lạnh (dưới 0 độ C), các lon nước ngọt có gas (kể cả chai thủy tinh) khó có thể chịu được áp lực nở ra của khí gas. Thực tế hầu hết nhà sản xuất đều có thông tin lưu ý trên lon là “Không đốt nóng hoặc cho vào đá lạnh ở 0 độ C” bởi việc này có thể gây nguy hiểm nhưng không mấy ai chú ý đến./.
MỤC LỤC [Hiện]