Hố băng bí ẩn ở Nam Cực có kích thước bằng cả Thụy Sĩ liên tục nứt ra không rõ lý do: Các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời

Một lỗ nứt lớn tại biển băng Nam Cực đang ngày càng mở rộng, tới bây giờ các nhà khí hậu học mới biết nguyên nhân vì sao.

Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện ra lỗ hổng khổng lồ ở biển băng Nam Cực vào năm 1974 và gọi nó với cái tên là Maud Rise polynya.

Lỗ hổng kỳ lạ này thu hẹp và mở rộng với kích cỡ khác nhau nhưng luôn tại cùng một vị trí. Có năm, nó còn không xuất hiện. Kể từ khi được phát hiện, Maud Rise polynya đã trở thành một bí ẩn và khiến các nhà khoa học phải bối rối về các điều kiện chính xác cần thiết để hình thành lỗ hổng.

Trong năm 2016 và 2017, một khu vực lỗ hổng rộng 80.000 km2 đã xuất hiện trong vài tuần vào thời điểm mùa đông, cho phép các nhà khoa học có cái nhìn sâu hơn về hiện tượng này và cuối cùng đã giải quyết được bí ẩn sau 50 năm. Họ cũng đã công bố báo cáo khoa học này vào đầu tháng 5 năm 2024.

Hố băng bí ẩn ở Nam Cực có kích thước bằng cả Thụy Sĩ liên tục nứt ra không rõ lý do: Các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời - Ảnh 1.

Một cái nhìn từ trên không của Maud Rise polynya.

Năm 2017 là lần đầu tiên có một lỗ hổng Maud Rise polynya lớn và tồn tại lâu dài như vậy ở Biển Weddell kể từ những năm 1970.

Khi mùa hè chuyển sang mùa đông ở Nam Cực, băng biển mở rộng từ diện tích tối thiểu khoảng 3 triệu km2 đến 18 triệu km vuông, bao phủ 4% bề mặt Trái đất với màu trắng lạnh giá.

Hầu hết băng biển này phát triển trong đêm cực kéo dài hàng tuần trên thềm băng nổi bao quanh lục địa. Các lỗ hổng trên lớp băng này, được gọi là polynyas, hình thành khi gió mạnh từ đất liền đẩy các khối băng ra xa nhau.

Cơn gió lạnh này cũng làm đóng băng nhiều nước biển hơn bên trong các polynya, tạo thêm những khối băng bổ sung vào khối băng liên kết.

Nhưng ở vùng biển rộng lớn và cách xa những cơn gió ven biển, nơi hình thành polynya Maud Rise, các lỗ trên băng biển ít có khả năng phát triển hơn. Điều này, cùng với sự suy giảm đáng kinh ngạc về phạm vi băng tổng thể trên khắp Nam Đại Dương, khiến các nhà khoa học tự hỏi điều kiện cụ thể nào có thể khiến polynya Maud Rise hình thành.

Hố băng bí ẩn ở Nam Cực có kích thước bằng cả Thụy Sĩ liên tục nứt ra không rõ lý do: Các nhà khoa học cuối cùng cũng tìm ra câu trả lời - Ảnh 2.

Maud Rise polynya là một trong những bí ẩn tại Nam Cực.

Để điều tra bí ẩn, các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu từ vệ tinh, phao tự hành và động vật có vú dưới biển được gắn chip theo dõi, cũng như những quan sát trước đây được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu khác.

Họ phát hiện ra rằng vào năm 2016 và 2017, dòng hải lưu tròn của Biển Weddell, được gọi là Weddell Gyre, mạnh hơn những năm khác, khiến các dòng hải lưu dưới nước dễ dàng đưa muối và nhiệt đến gần bề mặt hơn.

Bên cạnh đó, Polynya Maud Rise nằm gần Maud Rise, một ngọn núi nằm dưới nước. Vào năm 2016 và 2017, do dòng chảy mạnh hơn, muối lơ lửng quanh khe núi này trong khi gió thổi qua bề mặt, tạo ra hiệu ứng xoắn ốc kéo nước mặn hơn xung quanh ngọn núi ngập nước lên mặt nước.

Muối này sau đó hạ thấp điểm đóng băng của nước bề mặt, tạo điều kiện cho Maud Rise polynya hình thành và tồn tại.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện mới này rất quan trọng để hiểu được Nam Cực và những tác động rộng lớn hơn của nó đối với đại dương toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã làm cho gió từ lục địa cực nam mạnh hơn, có khả năng tạo ra nhiều lỗ hổng hơn trong tương lai.

Trong khi đó, 40% lượng nước biển trên toàn cầu có nguồn gốc từ bờ biển Nam Cực, khiến nơi này trở nên quan trọng trong việc điều hòa khí hậu các khu vực trên khắp hành tinh.