Hình ảnh của vị anh hùng Triết Biệt được nhà văn Kim Dung tiểu thuyết hóa trong tiểu thuyết "Anh hùng xạ điêu". Ở tác phẩm này, ông mang danh là sư phụ của Quách Tĩnh khi ở Mông Cổ.
Chân dung sư phụ đầu tiên của Quách Tĩnh trên màn ảnh
Quách Tĩnh là nhân vật chính trong tiểu thuyết nổi tiếng “Anh hùng xạ điêu” đồng thời cũng là nhân vật phụ trong tác phẩm "Thần điêu hiệp lữ" của nhà văn Kim Dung.
Theo miêu tả của Kim Dung , Quách Tĩnh là con của Quách Khiếu Thiên và Lý Bình, gọi Quách Thịnh (nhân vật trong truyện "Thủy hử", một trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc) là cụ tổ. Cái tên Quách Tĩnh là do đạo sĩ phái Toàn Chân, Trường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ đặt cho với ý nghĩa mong chàng và người anh em kết nghĩa Dương Khang không quên mối nhục Tĩnh Khang của Đại Tống ngày trước.
Theo tiểu thuyết, Quách Tĩnh là người khờ và chậm chạp, mồm mép vụng về, hơi ngốc nghếch, tuy vậy tình hào sảng, chân thật, dũng cảm, hay làm việc nghĩa. Quách Tĩnh lớn lên tại Mông Cổ sau khi cha bị vương gia nước Kim Hoàn Nhan Hồng Liệt sát hại.
Trong tập 4 của bộ phim "Anh hùng xạ điêu" phiên bản 2003, khi còn là cậu bé lớn lên trên thảo nguyên Mông Cổ, Quách Tĩnh đã cứu Triết Biệt. Khi bộ lạc Tần Diệc Xích Ngột bị diệt, ông là một vị tướng giỏi của Thành Cát Tư Hãn. Sau này, Triết Biệt trở thành sư phụ đầu tiên của Quách Tĩnh. Ông dạy cho anh thuật bắn cung và cách chiến đấu trên mình ngựa. Chính nhờ sự truyền thụ của thần tiễn Triết Biệt, Quách Tĩnh đã trở thành một cung thủ siêu phàm.
Video: Cảnh Triết Biệt (Ba Lâm) dạy Quách Tĩnh thuật bắn cung và chiến đấu trên mình ngựa.
Trong phim phiên bản năm 2003 của đạo diễn Trương Kỉ Trung, vai Quách Tĩnh do Lý Á Bằng thủ vai đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả cho tới tận bây giờ. Đặc biệt, diễn viên Ba Âm đóng vai Triết Biệt trong phim này cũng là người đóng Kim Luân pháp vương trong "Thần điêu đại hiệp (2006)" và Thành Cát Tư Hãn trong "Anh hùng xạ điêu" (2008).
Bộ phim có phân đoạn khi Thành Cát Tư Hãn và mọi người đi săn chim điêu. Lúc đó, chỉ Quách Tĩnh bắn một mũi tên, hạ một đôi chim điêu khiến thủ lĩnh Mông Cổ khen gợi: “Sư phụ là Triết Biệt thì đệ tử cũng Triết Biệt”.
Quách Tĩnh học kỹ năng bắn cung siêu đỉnh của sư phụ Triết Biệt.
Ở cuối tác phẩm, cuộc gặp gỡ giữa Triết Biệt và Quách Tĩnh lại đầy bi thương. Sau này, khi Thành Cát Tư Hãn muốn Quách Tĩnh đem quân tấn công Đại Tống đã âm mưu lấy mẹ anh làm sức ép. Bà không nghe theo, liền tự vẫn. Quách Tĩnh quá đau buồn nên đã cùng mẹ bỏ trốn. Trên đường đi, anh gặp sư phụ Triết Biệt, người đã đưa ngựa và cung tên để giúp Quách Tĩnh trốn khỏi Mông Cổ.
Nhân vật có thật trong lịch sử
Không chỉ là nhân vật trong tiểu thuyết kiếm hiệp của cố nhà văn Kim Dung, Triết Biệt còn là vị anh hùng có thật trong lịch sử. Theo sử liệu, Triết Biệt (?-1225) có tên đầy đủ là Chích Nhi Khoát A Ngạt là vốn thuộc bộ lạc Tần Diệc Xích Ngột.
Triết Biệt là nhân vật có thật trong lịch sử.
Trong trận chiến đánh với với bộ tộc Tần Diệc Xích Ngột, Thành Cát Tư Hãn suýt mất mạng sau khi ngựa chiến của ông bị bắn hạ từ phía sau với một mũi tên. Về sau, ông nói chuyện với các tù binh Tần Diệc Xích Ngột mà quân đội Mông Cổ bắt được và yêu cầu họ nói ra người nào đã bắn tên vào ngựa chiến của ông. Khi ấy, tù binh Tần Diệc Xích Ngột đã dũng đảm đứng dậy và thừa nhận mình là cung thủ bắn tên vào ngựa của Thành Cát Tư Hãn.
Sau khi nghe người tù binh trên nói, thủ lĩnh Mông Cổ bị ấn tượng mạnh trước sự gan dạ của người này và bổ nhiệm ông làm chỉ huy trong quân đội của mình.Về sau, Thành Cát Tư Hãn đặt cho người lính gan dạ trên biệt danh "Triết Biệt (Jebe)" (có nghĩa là mũi tên) nhằm kỷ niệm cuộc gặp đầu tiên giữa 2 người trên chiến trường. Ông đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp mở rộng lãnh thổ của đế quốc Mông Cổ.
Ông đã được mô tả là "tướng kỵ binh vĩ đại nhất trong lịch sử".
Thành Cát Tư Hãn đã không nhìn nhầm người. Triết Biệt với tài năng bắn tên bách phát bách trúng đã cầm quân và lập được nhiều chiến công lớn. Ông cũng trung thành tuyệt đối với Thành Cát Tư Hãn. Cùng với Tốc Bất Đài, Triết Biệt trở thành danh tướng kiệt xuất đánh đâu thắng đó, giúp đế chế Mông Cổ chinh phạt khắp châu Á đến châu Âu.