Tuổi thơ êm đềm và những cột mốc đáng nhớ cùng Hoàng gia Anh
Sinh ngày 18/12/1941, Hoàng tử William là con trai cả của Vương tử Henry, Công tước xứ Gloucester và Quý bà Alice Montagu-Douglas-Scott. Vương tử Henry là con trai thứ ba của Vua George V và Vương hậu Mary, em trai của Vua Edward VIII (sau này là Công tước xứ Windsor) và Vua George VI (cha của Nữ vương Elizabeth II). Khi mới sinh, Hoàng tử William đứng thứ tư trong danh sách kế vị ngai vàng. Năm 1944, cha mẹ ông chào đón người con trai thứ hai là Hoàng tử Richard.
Hoàng tử William đã trải qua thời thơ ấu tại điền trang Barnwell ở Northamptonshire và sau đó là Canberra (Úc), nơi cha ông giữ chức Toàn quyền. Trở về Anh, Hoàng tử William theo học tại Trường Wellesley House ở Broadstairs, Kent, và sau đó là Eton. Là một người đam mê thể thao, Hoàng tử William chơi cả cricket và bóng đá. Sau đó, ông theo học ngành Lịch sử tại Đại học Magdalene, Cambridge và hoàn thành một năm học về khoa học chính trị, lịch sử Hoa Kỳ và kinh doanh tại Đại học Stanford danh tiếng.
Không giống như một số thành viên của Hoàng gia Anh, Hoàng tử William có mối quan hệ rất thân thiết với cha mẹ mình. Ông từng nói về mẹ: "Bà ấy là một con người và bà ấy hẳn phải có một số lỗi lầm. Nhưng đối với tôi, bà ấy không có lỗi nào cả". Còn tình cảm của ông dành cho cha mình được mô tả là có tính "lây lan". Người ta nói rằng ông rất trân trọng sự tự do mà cha mẹ đã dành cho mình khi lớn lên, bất chấp vị trí tương đối cao của ông trong gia đình.
Năm 1947, ngay trước sinh nhật lần thứ sáu, William là người mang lễ phục cho người chị họ là Công chúa Elizabeth (sau này là Nữ vương Elizabeth II) trong đám cưới của bà với Vương tế Philip. Người mang lễ phục còn lại là Hoàng tử Michael (một người anh em họ khác của ông, con trai của Vương tôn George, Công tước xứ Kent, người đã chết trong một vụ tai nạn máy bay quân sự). Năm 1953, Hoàng tử William cũng tham dự lễ đăng quang của Nữ vương Elizabeth II.
Tình yêu dang dở và sự nghiệp ngắn ngủi nơi xứ người
Khi trở về Anh, Hoàng tử William gia nhập Văn phòng Khối thịnh vượng chung và được cử đến Lagos, sau đó là Tokyo. Ông trở thành thành viên thứ hai của Hoàng gia trở thành công chức, sau chú của ông là Vương tôn George, Công tước xứ Kent.
Hoàng tử William chưa từng kết hôn nhưng có mối quan hệ lâu dài và công khai với một phụ nữ tên là Zsuzsi Starkloff. Sinh ra ở Hungary, Starkloff trốn sang Mỹ vào đầu những năm 20 tuổi và kiếm sống bằng nghề người mẫu và tiếp viên hàng không. Là một người tiên phong, Starkloff sau đó đã lấy được bằng phi công và trở thành giáo viên dạy bay. Sau cuộc hôn nhân thất bại với Ed 'Starky' Starkloff, Zsuzsi chuyển đến Tokyo, nơi bà gặp gỡ vị hoàng tử trẻ tuổi, người đã đặt cho bà biệt danh là 'Lọ Lem'.
"Ông ấy là một người đàn ông tuyệt vời", Zsuzsi, người hơn ông 5 tuổi, được cho là đã kể lại như vậy. "Rất nam tính. Rất nồng nàn. Và trưởng thành hơn tuổi". Hoàng tử William say đắm và đã viết thư cho cha mẹ để hỏi xem họ sẽ cảm thấy thế nào nếu ông cầu hôn. Tuy nhiên, Zsuzsi bị coi là "không phù hợp". Cặp đôi vấp phải sự phản đối từ hoàng gia, bao gồm cả Nữ hoàng Elizabeth II, người lo ngại sự việc sẽ giống như trường hợp của chú mình, Vua Edward VIII và Wallis Simpson, hoặc thậm chí là em gái của bà, Công chúa Margaret và Đại úy Peter Townsend. Công chúa Margaret, mặc dù không khuyến khích William, nhưng đã thông cảm với ông về vấn đề này, bà khuyên ông nên "chờ đợi thêm một thời gian nữa" và "xem xét mọi việc ra sao" sau khi ông trở về Anh.
Sự nghiệp ngoại giao của William bị cắt ngắn do sức khỏe của cha ông ngày càng yếu đi sau nhiều cơn đột quỵ vào năm 1970. William không còn lựa chọn nào khác là phải từ chức và trở về Anh để chăm sóc gia sản của cha mình, và như ông nói, đảm nhận công việc toàn thời gian của một hoàng tử. Vào thời điểm đó, ngày càng có nhiều thành viên của Hoàng gia thực hiện các nhiệm vụ thay mặt cho quốc vương và đã thay mặt cha mình để gánh vác trách nhiệm.
Tai nạn thương tâm cướp đi người thừa kế đầy triển vọng
Tuy nhiên, không lâu sau, cuộc đời ông đã khép lại. Vào năm 1972, khi đang tham gia bay tại Goodyear International Air Trophy, cánh máy bay của William đã bị gãy sau khi va vào một cái cây. Chiếc máy bay mất kiểm soát đã lật nhào và đâm vào một bờ đất, bốc cháy dữ dội. Vụ tai nạn xảy ra trước sự chứng kiến của 30.000 khán giả, đám cháy phải mất hai giờ mới được khống chế và các thi thể đã được xác định danh tính vào ngày hôm sau từ hồ sơ nha khoa.
Hoàng tử William là người thừa kế tước vị Công tước xứ Gloucester, Bá tước Ulster và Nam tước Culloden của cha mình. Sau khi ông qua đời, em trai ông, Hoàng tử Richard xứ Gloucester, trở thành người thừa kế và kế vị các tước vị này vào năm 1974.
Theo Tatler