Trên bãi biển ngày càng thu hẹp bao quanh ngôi làng cổ Vunisavisavi là một biểu tượng ấn tượng của cả hy vọng và sự hỗn loạn.
Một cây đa khổng lồ đã bị đổ trong những năm gần đây. Gió mạnh và sóng lớn đã giật rễ cây ra khỏi nền đất cát, khiến thân cây nằm nghiêng trên đất.
Trẻ em trèo lên và chơi trên cây. Cây đã trở thành điểm quan sát để trẻ em có thể ngắm nhìn vùng nước mênh mông ở đường chân trời.
Nó cũng tạo thành một rào cản vật lý giữa đại dương - nguồn cơn nguy hiểm ngày càng gia tăng - và ngôi làng, nơi trú ẩn ngày càng bất an.
Người dân địa phương ở đây cho biết cây này được trồng cách đây hơn nửa thế kỷ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã ngã xuống, rễ cây tiếp xúc với muối và hơi nước, nên cây vẫn sống.
Khi biến đổi khí hậu đe dọa xóa sổ các cộng đồng nơi đây, cây đa chính là ẩn dụ cho cuộc đấu tranh của họ để giữ gìn nơi ở.
Vùng đất không có tương lai
Vunisavisavi là một ngôi làng bên bờ vực. Đây là một trong nhiều ngôi làng ở quốc đảo Fiji được chỉ định di dời đến một nơi mới trong đất nước do các mối đe dọa ngày càng trầm trọng vì biến đổi khí hậu.
Năm 2017, chính phủ Fiji đã xác định 830 cộng đồng có khả năng dễ bị tổn thương và 48 cộng đồng khác có thể cần di dời khẩn cấp theo kế hoạch.
Điều này đã thúc đẩy chính phủ Fiji xây dựng bộ hướng dẫn quốc gia toàn diện và chuyên sâu nhất thế giới để thực hiện kế hoạch khó tin: di dời cả một đất nước.
Được gọi là Quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) để di dời theo kế hoạch, Fiji tất nhiên không muốn, nhưng phải thực hiện kế hoạch này.
Đây cũng là một “tài liệu tham khảo” được nhiều nước quan tâm. Tính đến cuối năm 2023, có gần 9 triệu người ở 88 quốc gia và vùng lãnh thổ phải di dời do thiên tai.
SOP đã được chính phủ Fiji hiện tại phê duyệt vào năm ngoái. Đây là một “tài liệu sống”, với “cách tiếp cận lấy con người và nhân quyền làm trung tâm”. Tài liệu nêu rõ các giai đoạn khác nhau trong quá trình di dời, từ xác định rủi ro, tham vấn cộng đồng, quản lý đất đai, cân bằng cuộc sống cũng như các cân nhắc về văn hóa, tài trợ kinh tế.
Việc di dời những cộng đồng này là một quá trình vô cùng phức tạp và đầy cảm xúc. Nói cụ thể hơn, đây là việc đi kèm với nỗi buồn, cảm giác mất mát không tránh khỏi. Mối quan hệ cộng đồng là một sức mạnh to lớn ở Fiji và biến đổi khí hậu đang đe dọa làm suy yếu chúng.
“Khi một cộng đồng di dời, không chỉ đơn giản là chuyển đến một nơi mới, một ngôi nhà mới” , ông Sitiveni Rabuka, thủ tướng Fiji và là bộ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu đã viết trong lời mở đầu của tài liệu SOP. “Khi một cộng đồng di dời, họ mang theo văn hóa, lịch sử và kỳ vọng của họ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Do đó, quyết định di dời không bao giờ được coi nhẹ.”
Theo người dân địa phương và các chuyên gia, mỗi lần có thêm một thảm họa xảy ra với quốc đảo này, nguy cơ nhiều ngôi làng hơn nữa phải di dời lại càng cao và khả năng mất đi bản sắc riêng của người dân địa phương cũng ngày càng tăng.
Sống trong sợ hãi
Fiji đang phải chịu tác động của khí hậu với tốc độ và cường độ lớn hơn nhiều nơi khác trên thế giới. Nhiệt độ đại dương trong khu vực đang tăng lên gấp 3 lần mức trung bình toàn cầu, trong khi mực nước biển dâng cao cũng đang đe dọa các đảo thấp và cộng đồng ven biển.
Đất nước này bao gồm 382 đảo và đảo nhỏ, với dân số chỉ dưới 1 triệu người. Nơi đây thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới. Năm 2016, cơn bão Winston đã giết chết 44 người và gây thiệt hại 1,4 tỷ đô la Mỹ.
4 năm sau, vào tháng 12 năm 2020, cơn bão cấp 5 Yasa đã phá hủy khoảng 8.000 ngôi nhà và gây thiệt hại khoảng 250 triệu đô la Mỹ. Ngay cả ngày nay, các cộng đồng vẫn đang chưa phục hồi hoàn toàn sau thảm họa bão đó.
Cách Vunisavisavi vài giờ lái xe, ngôi làng Cogea vẫn còn mang những “vết sẹo về thể chất và tinh thần” mà cơn bão Yasa gây ra.
Khu vực này của Fiji, nằm trên bờ biển phía nam biệt lập của hòn đảo lớn thứ hai của đất nước, Vanua Levu, mang vẻ đẹp bình dị.
Các dòng nước ngọt chảy nhẹ nhàng về phía biển, được che mát bởi những tán cây cao, rậm rạp của rừng nhiệt đới. Biển có màu xanh lam nổi bật, nông và được làm giàu bởi các hệ thống rạn san hô rộng lớn. Các ngôi làng địa phương nằm rải rác trên bờ biển và sườn núi được mẹ thiên nhiên sắp xếp một cách hoàn hảo.
Nhưng trong cảnh ngỡ yên bình đó, các cơn sóng ngày càng dữ tợn hơn.
Tại Cogea, một ngôi làng có 138 người, cách bờ biển vài km, Bão Yasa đã gây ra lũ lụt tàn khốc. Khu dân cư này được bao quanh bởi nước, dễ bị dâng cao nhanh chóng khi thời tiết thay đổi.
Ông Rusiate Senicevuga, người đứng đầu làng, đã xây dựng ngôi nhà của mình để chống bão. Nhưng ông đã đánh giá thấp sức mạnh của Yasa.
"Vào buổi sáng khi thức dậy, chúng tôi không nói nên lời. Tôi đã bị sốc. Ngôi nhà mà tôi tin tưởng để đảm bảo an toàn trong những cơn bão đã biến mất" , ông nói.
Các trận lở đất đã tấn công các khu vực miền núi xung quanh ngôi làng. Các loại cây trồng mà người dân địa phương dựa vào để sinh tồn đã bị tàn phá, làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh lương thực.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục được nhắc nhở về những gì cơn bão Yasa đã lấy đi khỏi chúng tôi. Rất nhiều thứ đã thay đổi đối với chúng tôi. Chúng tôi rất sợ hãi vì những trải nghiệm đó,” ông Rusiate nói.
Người dân Cogea được lên kế hoạch di dời do mối đe dọa ngập lụt đang diễn ra. Nỗi sợ hãi xâm chiếm nhiều người trong số họ, bất cứ khi nào mây đen kéo đến những ngày này.
Khi quá khứ đang "kìm chân" tương lai
Một địa điểm gần đó, gần như nằm trong tầm nhìn của ngôi làng hiện tại của họ, đã được chọn để làm vùng đất mới. Nhưng bất chấp nỗi lo lắng về việc ở lại, việc di dời cũng gây ra sự chia rẽ.
“Nơi chôn rau cắt rốn rất quan trọng và đặc biệt đối với chúng tôi. Đây là nơi tổ tiên chúng tôi sinh sống. Thật không dễ dàng khi tôi thấy những người trẻ tuổi đồng ý với việc di dời này”, bà Silina Tinai, một già làng cho biết.
“Tôi lo lắng về thế hệ tương lai của Cogea. Sẽ có sự thay đổi ở đây. Không chỉ hôm nay mà còn là mọi ngày và mọi năm sắp tới. Đối với tôi, tôi đau lòng khi chúng tôi sắp rời khỏi ngôi làng này”, bà nói.
Cảm xúc này phổ biến trên khắp đất nước. Những gốc rễ văn hóa sâu sắc gắn kết mọi người với vùng đất của tổ tiên họ.
Nhưng đối với ông Senicevuga, cộng đồng sẽ không bao giờ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn cho đến khi họ chuyển đến vùng đất cao hơn. Thực tế của biến đổi khí hậu đòi hỏi điều đó, bất kể mối liên hệ mạnh mẽ với quá khứ. Hiện tại, họ đang mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng chờ đợi tiền để xây dựng hoàn chỉnh ngôi nhà mới của mình.
Với họ, ngày di dời đến nay vẫn chưa rõ ràng.
“Theo tôi, ít nhất là đối với gia đình tôi, những gì đã trải qua trong cơn bão Yasa sẽ không bao giờ có thể xóa khỏi ký ức của họ. Những ngày tốt đẹp duy nhất cho thế hệ tương lai sẽ là ở địa điểm mới” , ông nói. “Nếu chúng ta vẫn ở đây, tôi tin rằng chúng ta sẽ gặp phải những vấn đề lớn hơn những gì đã phải đối mặt trong bão Yasa. Di dời là một phần của giải pháp ngay bây giờ.”
Bài toán kinh tế
Chính phủ Fiji có những kế hoạch và chính sách đầy tham vọng về việc di dời do biến đổi khí hậu. Một quỹ tín thác với khoản phân bổ hàng năm là 5 triệu đô la Mỹ được sử dụng để chi trả cho việc di cư đã được thành lập, nhưng Fiji sẽ cần nhiều hơn thế nữa.
Chi phí di dời chỉ một ngôi làng, ví dụ như làng Nabavatu vào năm 2021 đã là 2,5 triệu đô la Mỹ.
Năm 2018, chính phủ cho biết đất nước sẽ cần khoảng 4,1 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 10 năm để tăng cường khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu.
Trên toàn cầu, số tiền mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu yêu cầu là rất lớn.
"Các chuyên gia ước tính rằng sẽ cần hơn 4 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm vào năm 2030 để quản lý tác động của biến đổi khí hậu. Cần phải có nỗ lực to lớn để huy động nguồn tài chính và đầu tư dễ tiếp cận, hiệu quả nhằm mang lại lợi ích cho tất cả mọi người ", ông Sitiveni Rabuka, thủ tướng Fiji nói.