Quán Phở Hòa liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, lòng thối đến 8 lần trong 1 tháng. Nhóm người lạ có hành vi ấy sẽ phải chịu những mức phạt nào?
Quán Phở Hòa bị tạt sơn, ném mắm tôm...
Ngày 31/7, Công an Q.3, TP.HCM đã tiếp nhận đơn trình báo của ông P.T.L (51 tuổi, ngụ quận 3) - chủ quán phở Hòa trên đường Pasteur, P.8 về việc quán của ông liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, lòng thối đến... 8 lần.
Theo ông L, từ đầu tháng 7 đến nay, quán phở Hòa của ông L liên tục bị các đối tượng lạ mặt "khủng bố". Nguyên nhân vì người em rể là Trần Anh T (43 tuổi) có mở một tiệm điện thoại di động và mua bán xe hơi sát vách quán phở Hòa. Do T. kinh doanh chung địa chỉ với quán phở Hòa, nên gần đây ông L liên tục nhận được thông tin T vướng nợ nần từ nhiều người đến quán đòi.
Nhưng khi các chủ nợ đến thì T tìm cách lánh mặt, không chịu nghe điện thoại. Từ đó, các chủ nợ của T liên tục quấy phá quán phở của ông L bằng sơn đỏ, mắm tôm, lòng heo thối đến 8 lần chỉ trong một tháng.
Vào sáng 31/7, trong lúc khách của quán phở Hòa đông thì một nhóm người đi xe máy đến ném sơn đỏ, mắm tôm, lòng heo thối vào quán. Chất bẩn văng tứ tung, dính vào hai thực khách người nước ngoài và nhiều thực khách khác đang ăn...
Quán Phở Hòa liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, lòng thối đến... 8 lần trong 1 tháng
Làm rõ động cơ, mục đích, hành vi và hậu quả để có biện pháp xử lý phù hợp
Trao đổi về việc này, luật sư Trần An Hòa (Đoàn LS TP.HCM) cho biết trong trường hợp này người nợ tiền là ông T chứ không phải ông L. Ông T có đủ năng lực hành vi dân sự để chịu trách nhiệm pháp lý đối với khoản nợ gây ra. Vì thế ông L không phải chịu trách nhiệm trong chuyện này.
"Không rõ nguyên nhân nợ xuất phát từ đâu, vay mượn nợ bằng hình thức nào... Thế nên chủ nợ muốn đòi tiền thì phải tiến hành thủ tục khởi kiện, thi hành án theo quy định pháp luật chứ không thể đòi nợ ông T mà lại kéo đến quán ông L để tạt sơn, ném mắm tôm, lòng thối như thế.
Hành vi ấy là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng theo điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội...
Nhóm người có những hành vi ấy sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là "buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu".
Trong trường hợp nhóm người lạ kia tự tiện vào quán ông L để thực hiện những hành vi ném mắm tôm, sơn đỏ... thì có dấu hiệu tội xâm phạm chỗ ở của công dân được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009)", LS Hòa phân tích.
Luật sư Nguyễn Ngọc Quảng (Đoàn luật sư TP HCM) cũng cho rằng, hành vi ném sơn đỏ và chất bẩn vào nhà người khác để đòi nợ là vi phạm pháp luật. Luật sư cho rằng, căn cứ vào mức độ hành vi và hậu quả thiệt hại, những người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý theo quy định pháp luật.
Cụ thể, luật sư cho rằng, nếu xác định hậu quả thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì những người thực hiện hành vi nói trên sẽ bị xử phạt hành chính. Trong trường hợp mức thiệt hại lớn hơn 2 triệu đồng, cơ quan chức năng có thể sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự.
Viện dẫn điều 178 Bộ luật hình sự 2015, luật sư Quảng cho biết, quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định mức hình phạt từ phạt cải tạo không giam giữ 3 năm cho đến phạt tù 20 năm tùy vào mức độ hành vi phạm tội.
Liên hệ trực tiếp đến vụ việc tạt sơn đỏ, mắm tôm vào quán phở Hòa Pasteur, chuyên gia về luật cho rằng hành vi của nhóm thanh niên đã vi phạm pháp luật. "Khung hình phạt cao nhất xử lý hành vi này ở mức 10-20 năm tù, nếu nhóm thành niên có thêm hành vi uy hiếp, đe dọa thì có thể bị truy cứu xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản", luật sư Quảng nói.
Hình ảnh camera ghi lại hình ảnh nhóm người tạt sơn vào quán phở khi hàng chục khách đang ăn sáng.
Còn luật sư Nguyễn Thu Hoài (Đoàn LS Đồng Nai) thì cho biết, hành vi tạt sơn, mắm tôm, lòng thối đến... 8 lần như thế sẽ gây ô nhiễm, chủ quán phở có thể bỏ cả tài sản bị nhiễm bẩn hoặc mất tiền cho chi phí khắc phục, sửa chữa...
Theo LS Hoài, trong vụ này xuất phát từ việc đòi nợ nhưng... nhầm người. Các đối tượng lạ đã "khủng bố" quán của ông L liên tục như thế thì cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng để điều tra làm rõ động cơ, mục đích, hành vi và hậu quả để có biện pháp xử lý phù hợp.
Nếu nhóm người lạ kia ngoài việc ném chất bẩn vào quán phở mà còn đe dọa, uy hiếp thì có thể bị xử lý về tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, cao nhất là 20 năm tù.
Trong trường hợp hành vi ném chất bẩn vào quán phở mà làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản, thiệt hại trị giá từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này có thể bị xử lý về tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất cũng có thể lên tới 20 năm tù.
Nếu cơ quan chức năng điều tra được mục đích chính của việc ném chất bẩn vì muốn đánh, đuổi ông L cũng như gia đình ông ấy ra khỏi chỗ ở hợp pháp của họ thì hành vi này có thể bị xử lý về tội Xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Quán phở Hòa Pastuer đang tạm đóng cửa để sửa chữa.
Ngoài ra, việc liên tục quấy phá quán phở của ông L bằng sơn đỏ, mắm tôm, lòng heo thối đến 8 lần như thế đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc, hoang mang trong quần chúng nhân dân thì có thể bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Cũng theo LS Hoài, các nạn nhân của các vụ bị ném chất bẩn, chất thải vào nhà cần báo ngay với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương để được xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.
"Ngày càng nhiều sự việc ném chất bẩn vào nhà người khác mà nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển của hình thức cho vay nặng lãi. Trong thời gian tới, đề nghị các cơ quan chức năng cần làm quyết liệt hơn nữa để có thể xem xét, xử lý triệt để thực trạng này để tránh những câu chuyện tương tự", LS Hoài đề xuất.
theo Trí Thức Trẻ