"Vị chua thanh thản", "ngon sồn sột", "không thể phân biệt được đây là chân giò heo hay chân giò lợn"... là những lời bình của chủ kênh YouTube "Hà Nội phố" (hiện đã đổi tên thành "Duy Tran") - Trần Văn Duy (hay còn gọi là Duy "Nến").
Trên khắp các diễn đàn, nhiều người nhận định rằng, cách reivew của anh bị méo mó một cách đáng thương. Từ việc sử dụng từ sai cho đến cách chia sẻ sai lệch, thiếu chiều sâu về món ăn đã khiến Duy "Nến" trở thành một "hiện tượng mạng" của làn sóng tẩy chay.
Trả lời Báo Giao thông, chuyên gia ẩm thực Việt Nguyễn cho rằng không ai lại có thể thiếu hiểu biết những kiến thức cơ bản như "không thể phân biệt được đây là chân giò heo hay chân giò lợn" được. Cũng ai cấm được họ nói như đang không biết gì về tiếng Việt. Nhưng, có lẽ họ cố ý nói sai, bình luận ngô nghê với mục đích tạo đề tài tranh cãi. Nhờ đó, họ vừa thu về lượt tương tác khổng lồ từ đám đông phẫn nộ, vừa trở thành cái tên gây chú ý.
Theo khảo sát, với kênh YouTube 300.000 lượt theo dõi, tần suất trung bình là 2 ngày ra 1 video, chủ kênh này có thu nhập khoảng 20 triệu/tháng. Song, để tăng lượt xem cũng như lượng người theo dõi, tần suất ra video dày dù quan trọng không phải là yếu tố quyết định. Bởi, những ý kiến khen chê, đánh giá nội dung trái chiều luôn tỷ lệ thuận với số lượng người xem.
"Giữa hàng nghìn kênh YouTube review về ẩm thực, một nội dung được làm khác đi, thậm chí sai kiến thức về ẩm thực gây tranh cãi chắc chắn thu về lợi ích cho chính họ. Đây được coi như một dạng truyền thông "bẩn" khi bất chấp lợi dụng nội dung lệch lạc, gây tranh cãi để tăng lượng theo dõi, lượt xem", vị chuyên gia nói thêm.
Hiện, những hội nhóm anti, tẩy chay Duy "Nến" trên mạng xã hội vẫn mọc lên như nấm với số lượng thành viên tăng dần mỗi ngày.