Phát hiện lăng mộ hơn 2.100 năm tuổi
Vào tháng 5/1986, một người dân làng Thị Viên thuộc thành phố Vĩnh Thành, Thương Khâu, Trung Quốc, khi đang nổ mìn phá núi để khai thác đá cùng nhóm công nhân đã vô tình phát hiện một “hang động” lạ. Nghi ngờ “hang động này” là ngôi mộ cổ, đội công nhân tức báo sự việc cho chính quyền địa phương. Ngay sau đó, Đội Di tích Văn hóa Thương Khâu đã có mặt và tiến hành phong toả hiện trường.

Ảnh: Sohu
Qua điều tra sơ bộ, các chuyên gia xác nhận có một ngôi mộ cổ nằm sâu dưới lòng đất nên đã tiến hành khai quật. Kết quả ban đầu khiến giới khảo cổ học Trung Quốc không khỏi kinh ngạc.
Theo đó, họ phát hiện lối vào lăng mộ là một “con đường” lát hoàn toàn bằng tiền đồng. Những tiền đồng này được xâu thành chuỗi màu xanh lục, được xếp dàn thành hàng dài 10,5m và rộng 4,56m – điều chưa từng thấy trong khảo cổ Trung Quốc. Các chuyên gia ước tính có tổng cộng 2,25 triệu đồng tiền xu, nặng khoảng 30 tấn, tương đương 450.000 NDT. Điều này phần nào cho thấy chủ nhân của ngôi mộ có địa vị rất cao quý.

Ảnh: Sohu
Dựa trên tư liệu lịch sử Trung Quốc, các nhà nghiên cứu xác định đây là lăng mộ của Lương Cung Vương Lưu Mãi– con trai cả của Lương Hiếu vương Lưu Vũ và là cháu nội của Hán Văn Đế Lưu Hằng. Sau khi Lưu Vũ qua đời, Lưu Mãi kế vị và cai trị nhà Hán trong bảy năm trước khi mất. Ngôi mộ có niên đại hơn 2.100 năm.
Kho báu đồ sộ
Theo các chuyên gia, ngôi mộ này có kiến trúc rất đặc biệt, được xây dựng theo hướng Đông Tây, dài hơn 70m, diện tích khoảng 383 m², mô phỏng một cung điện ngầm với đầy đủ các gian chức năng: sáu phòng chính, phòng khách, phòng bếp và phòng tắm. Bên trong còn có kho vũ khí, phòng chứa tiền, hành lang, hệ thống thoát nước và đặc biệt là nhà vệ sinh cổ xưa có bồn cầu đá có tay vịn, chỗ để chân và rãnh xả nước – được cho là một trong những hệ thống xả nước sớm nhất tại Trung Quốc.
Toàn bộ ngôi mộ được tạc thủ công từ đá cứng, các bức tường hành lang và đường hầm được đánh bóng nhẵn mịn – kỹ thuật gây kinh ngạc cho cả giới chuyên môn hiện đại. Các khối đá niêm phong hành lang nặng tới một tấn, được vận chuyển từ nơi khác, cho thấy công phu và nhân lực khổng lồ đã được huy động.

Ảnh: Sohu
Mặc dù ngôi mộ đã bị trộm mộ nhiều lần, các nhà khảo cổ vẫn phát hiện hàng loạt cổ vật quý như xe ngựa, tượng gốm,... với tổng trọng lượng lên đến 5,5 tấn. Trong đó có bức tượng phụ nữ không tay được mệnh danh là “Vệ nữ phương Đông” vì vẻ đẹp sống động như thật.
Đặc biệt, bức bích họa Tứ Thần Vân với diện tích 16,8 m², là bức tranh tường lớn và sớm nhất được phát hiện thuộc thời Tây Hán. Để bảo tồn tranh, các chuyên gia đã chia bức tường thành năm phần, di dời từng mảnh về Bảo tàng địa phương. Quá trình kéo dài một tháng rưỡi và đã thành công trong việc giữ nguyên trạng bức tranh, hiện đang được trưng bày trong triển lãm “Ánh sáng của nền văn minh Trung Hoa”. Chưa hết, trong lăng mộ còn phát hiện nhiều cổ vật quý hiếm khác.
Các chuyên gia khảo cổ cho biết ngôi mộ Lương Cung Vương Lưu Mãi là một minh chứng sống động cho sự phát triển của nghệ thuật, kỹ thuật xây dựng và tín ngưỡng cổ đại Trung Hoa. Phát hiện này này vô cùng có ý nghĩa đối với cộng đồng khảo cổ Trung Quốc nói riêng và văn hóa - lịch sử Trung Quốc nói chung, góp phần lưu giữ và bảo tồn được giá trị của chứng tích văn hóa cổ xưa.
Theo Sohu