Vốn sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu thực tế. Đơn vị bảo trì phải cân đối, phân bổ ưu tiên những tuyến bị hư hỏng nặng để bảo đảm giao thông thuận lợi.
Vốn ít hơn so với nhu cầu thực tế
Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng cộng hơn 4.300km, trong đó các tuyến quốc lộ dài gần 290km (Quốc lộ 1C và Quốc lộ 27B là 2 tuyến đường được Tổng cục Đường bộ ủy thác cho địa phương quản lý); đường tỉnh hiện có 33 tuyến và 11 tuyến đường các địa phương bàn giao cho tỉnh quản lý với tổng chiều dài gần 767km. Các tuyến đường tỉnh và quốc lộ ủy quyền được Sở GTVT quản lý, bảo trì, bảo dưỡng hàng năm.
Tỉnh lộ Nguyễn Huệ được nâng cấp, mở rộng. |
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Quyền Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông cho biết, hàng năm, sở đều cập nhật, thống kê hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý và xây dựng kế hoạch bảo trì. Bên cạnh đó, sở thực hiện nhiều giải pháp tích cực để bảo trì, bảo dưỡng và hạn chế đến mức thấp nhất những hư hỏng hạ tầng giao thông. Theo đó, nhiều tuyến đường đã xóa bỏ được những ổ gà, điểm mất an toàn giao thông, lún võng trên đường, sơn kẻ mặt đường, xử lý kịp thời các hư hỏng, xuống cấp...
Theo định mức của Bộ GTVT quy định, mỗi năm, kinh phí cho công tác quản lý, sửa chữa, bảo trì đường bộ thường xuyên khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, mỗi năm, tỉnh chỉ dành được khoảng 40 tỷ đồng để thực hiện công tác này. Chính vì vậy, việc quản lý, bảo dưỡng thường xuyên còn hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT cho biết, số vốn cho bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường không nhiều, chưa đủ định mức theo quy định. Tuy nhiên, tình hình địa phương cũng gặp nhiều khó khăn, vì vậy, sở ưu tiên sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng nặng để bảo đảm giao thông. Trong 3 năm qua, sở đã nâng cấp mở rộng mặt đường rộng từ 3,5m lên 5,5m - 6m hơn 51,7km; thảm tăng cường mặt đường bê tông nhựa hơn 16,1km và tăng cường đá dăm láng nhựa 2,7km.
Cần 84 tỷ đồng để mở rộng 16 tuyến đường
Việc thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện đi lại. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường tỉnh vẫn còn hẹp, gây khó khăn cho các phương tiện đi lại, ảnh hưởng đến kết nối giao thương giữa các địa phương, vùng kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, hệ thống các tuyến đường tỉnh hiện còn tới 122,4km (16 tuyến đường) có quy mô đường cấp VI, bề rộng mặt đường 3,5m. Để đảm bảo bề rộng mặt đường đủ 2 làn xe (mỗi làn tối thiểu 2,75m) cần thiết phải nâng cấp mở rộng lên thành đường cấp V với bề rộng đường 5,5m, nền đường 7,5m. Tổng kinh phí ước tính để mở rộng 16 tuyến đường này khoảng 84 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kinh phí hạn hẹp được cấp hàng năm, sở sẽ phải tính toán và nâng cấp dần, rải đều trong các năm chứ không thể làm liền một lúc. Sở sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để nâng cấp đường, các tuyến hư hỏng nặng nề sẽ được làm trước, sau đó đến các tuyến có mật độ lưu thông cao, có tính liên kết các vùng kinh tế. Với việc khó khăn về nguồn vốn, mỗi năm sở cũng chỉ sắp xếp nâng cấp được khoảng 20km đường tỉnh.
Để nâng cao chất lượng duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, tiết kiệm nguồn thu, sở cũng từng bước xã hội hóa công tác bảo trì hệ thống đường tỉnh và đường địa phương. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, đối với công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đã thực hiện đấu thầu thay cho phương thức đặt hàng các đơn vị bảo trì như trước đây. Cùng với đó, đơn vị tăng cường kinh phí bảo trì đường bộ đối với nguồn vốn từ thu phí sử dụng đường bộ, phổ biến áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, vật liệu mới nhằm đáp ứng nhiệm vụ quản lý bảo trì, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội.