Khảo sát hơn 7.000 người cho thấy: 80% giới trẻ không có kế hoạch mua nhà, sẵn sàng chi vài triệu đồng đi xem ca nhạc, mua thực phẩm và đồ uống

Gần 80% số người trả lời khảo sát cho biết họ không có kế hoạch mua nhà và sẽ chỉ trả tiền cho những thứ cần thiết hàng ngày.

"Vì tôi sống với bố mẹ nên tôi không cần phải trả tiền thuê nhà. Bây giờ tôi độc thân, tôi không có kế hoạch kết hôn hay mua căn hộ", Terry Huang, 30 tuổi, cho biết.

Tuy nhiên, Huang và người đồng nghiệp 32 tuổi của anh sẵn sàng chi khoảng 1.000 nhân dân tệ (3,5 triệu đồng) để tham dự 3 buổi hòa nhạc trong năm nay. Ngoài ra, đôi bạn thân còn cùng nhau đi du lịch ở vùng đồng bằng sông Dương Tử và tỉnh Qúy Châu ở phía Nam. Mỗi chuyến đi tiêu tốn khoảng 4.000 nhân dân tệ (14 triệu) mỗi người.

"Số tiền tôi kiếm được chỉ đủ trang trải chi phí thiết yếu, đáp ứng nhu cầu cá nhân như giải trí, du lịch nên tôi không tiết kiệm được nhiều trong hai năm qua", Huang nói thêm.

Khảo sát hơn 7.000 người cho thấy: 80% giới trẻ không có kế hoạch mua nhà, sẵn sàng chi vài triệu đồng đi xem ca nhạc, mua thực phẩm và đồ uống- Ảnh 1.

Không có ý định kết hôn nên giới trẻ Trung Quốc cũng không có kế hoạch mua nhà

Theo báo cáo khảo sát lối sống của thanh niên năm 2024 do tạp chí China Newsweek công bố vào cuối tháng 8, gần 80% số người được hỏi không có kế hoạch mua nhà trong năm nay và sẽ chỉ chi trả cho những nhu cầu thiết yếu.

Điều này khiến các công ty bất động sản vô cùng lo lắng. Một giám đốc điều hành tại công ty quảng cáo ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc cho biết, mức tiêu dùng đang giảm sút tại Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục kéo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi xuống.

Còn theo khảo sát của China Newsweek, phần lớn người tiêu dùng trẻ cho biết, thu nhập của họ ở mức ổn định hoặc giảm trong năm nay. Điều này khiến mọi người buộc phải thay đổi cách tiêu tiền: Rời xa các mặt hàng xa xỉ; chú trọng đến các sản phẩm thiết yếu hoặc hàng giảm giá.

Cụ thể, tờ tạp chí nổi tiếng của Bắc Kinh đã phỏng vấn 7.725 người trên khắp Trung Quốc. Độ tuổi từ 16-40 tuổi, trong đó có khoảng 48,5% số người trả lời đến từ các thành phố lớn hạng nhất. Kết quả thu được như sau:

40% số người được hỏi dự kiến thu nhập cả năm của họ sẽ không thay đổi, gần 40% số khác dự đoán sẽ giảm so với năm ngoái. Hơn 14,6% chia sẻ tiền lương sẽ bị cắt giảm đáng kể và chỉ có khoảng 3,4% có thu nhập tăng lên.

Khảo sát hơn 7.000 người cho thấy: 80% giới trẻ không có kế hoạch mua nhà, sẵn sàng chi vài triệu đồng đi xem ca nhạc, mua thực phẩm và đồ uống- Ảnh 2.

Người tiêu dùng rời xa các mặt hàng xa xỉ do thu nhập giảm sút

Về mặt tiết kiệm: Có khoảng 17,6% không có tiền tiết kiệm và 55,5% có tiền tiết kiệm dưới 200.000 nhân dân tệ (hơn 700 triệu đồng).

Về chi phí sinh hoạt trung bình hàng tháng: 78,8% chi dưới 5.000 nhân dân tệ (17,5 triệu đồng) và khoảng 4,3% báo cáo chi vượt quá 10.000 nhân dân tệ.

Đặc biệt, chỉ có 7% người tham gia khảo sát đã mua hoặc có kế hoạch mua nhà. Trong khi 79,9% cho biết họ không có ý định chi tiền cho bất động sản trong năm nay.

Khi được hỏi họ chi tiêu nhiều nhất vào mặt hàng nào, hầu hết mọi người đều cho biết họ chi tiền chủ yếu vào thực phẩm và đồ uống. Tiếp theo là du lịch, học tập, giải trí, y tế và sức khỏe.

Năm nay do nền kinh tế lạm phát và suy thoái nên người tiêu dùng luôn đặt ra câu hỏi "Có thực sự cần thiết hay không" trước khi "xuống tiền".

Chẳng hạn, có tới 45,8% người trả lời đã cắt giảm chi tiêu cho quần áo, giày dép, túi xách, làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ có 8,3% và 4,1% sẵn sàng trả thêm tiền cho các sản phẩm thân thiện với môi trường và thương hiệu cao cấp.

Khảo sát hơn 7.000 người cho thấy: 80% giới trẻ không có kế hoạch mua nhà, sẵn sàng chi vài triệu đồng đi xem ca nhạc, mua thực phẩm và đồ uống- Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc gia tăng

Theo David Wong, giảng viên Khoa Quản lý tại Đại học Hang Seng, Hong Kong (Trung Quốc), kết quả khảo sát trên phản ánh thái độ và xu hướng tiêu dùng của giới trẻ Trung Quốc, điều này khiến việc phục hồi kinh tế trong nước trở nên khó khăn hơn và cũng có thể ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào thị trường tiêu dùng Trung Quốc.

Wong cho biết: "Với thu nhập thấp, người trẻ sẽ không đầu tư dài hạn hoặc tiêu dùng quy mô lớn, thay vào đó sẽ dùng nhiều tiền hơn cho chi phí sinh hoạt cơ bản và tiêu dùng hưởng thụ".

Được biết, triển vọng nghề nghiệp của những người trẻ ở Trung Quốc đã giảm sút trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn ra. Vào tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24, không bao gồm sinh viên, đã tăng lên 18,8% từ mức 17,1% vào tháng 7.

Tháng 8 cũng là tháng đầu tiên kể từ khi có kỷ lục 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường việc làm tại Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm tuổi 25-29, không bao gồm sinh viên đại học, cũng tăng lên 6,9% vào tháng 8 từ mức 6,5% của tháng trước đó.

Theo SCMP