Âm nhạc dẫn đường
Anh Nguyễn Đình Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) bắt đầu bị khiếm thị từ 3 năm nay sau một lần bị tai nạn. Cứ đều đặn sáng thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, không quản nắng to hay mưa lớn, anh lại hào hứng đến trụ sở Hội người Mù của quận Thanh Xuân. Tại đây, anh và các học viên sẽ cùng học nhảy zumba, một điều mà trước đây chưa bao giờ anh dám nghĩ tới.
“Kể từ khi mắt bị kém dần, tôi đã rơi vào trạng thái suy sụp, u uất. Tôi chán nản, tự ti, không muốn ra ngoài giao tiếp cùng ai. Nhưng sau khi tham gia vào Hội người Mù của quận và được vận động đi học nhảy thì tôi thấy cuộc sống đã vui vẻ hơn, thú vị hơn nhiều”, anh Chính tâm sự.
Anh bảo, hồi đầu cũng run lắm, bởi kể cả lúc mắt còn sáng cũng chưa bao giờ biết nhảy là gì. Nhưng với niềm yêu thích và sự quyết tâm chinh phục khó khăn, giờ anh đã là một trong những thành viên chính thức của nhóm nhảy tham gia cuộc thi nhảy do Hội người Mù TP Hà Nội tổ chức.
Anh nói: “Nếu như âm nhạc giúp tôi có tinh thần vui vẻ, lạc quan thì các động tác nhảy giúp cơ thể được vận động, lưu thông khí huyết, ăn ngon ngủ tốt hơn nên cả nhà tôi đều ủng hộ”.
Dù khiếm khuyết đôi mắt nhưng họ có khả năng cảm thụ âm nhạc tinh tế
Hiện, lớp học nhảy zumba của anh Chính có hơn 10 thành viên sinh hoạt đều đặn. Không gian lớp học đặc biệt này chỉ rộng hơn 10m2. Một huấn luyện viên (HLV) trẻ tình nguyện dạy nhảy không lấy tiền. Các học viên đều là những người khiếm thị, với đủ mọi lứa tuổi. Họ không nhìn thấy cô giáo, không thấy bạn nhảy, càng không thấy bất cứ động tác nhảy nào. Thế nhưng, lớp học vẫn diễn ra đều đặn, hào hứng và đầy niềm vui... nhờ sự cảm nhận từ những thanh âm.
Anh Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hội người Mù quận Thanh Xuân cho biết, ban đầu, khi vận động những người khiếm thị tham gia học nhảy zumba gặp không ít khó khăn, bởi tâm lý ngại ngùng của hội viên. Nhưng với sự kiên trì vận động của ban tổ chức, sau những bỡ ngỡ, băn khoăn ban đầu, đã có rất nhiều người khiếm thị ở mọi lứa tuổi đăng kí học.
“Sau 6 tháng thì các hội viên khiếm thị đã xem lớp học nhảy như món ăn tinh thần không thể thiếu. Chúng tôi cũng xem đây như hình thức để các hội viên hoà nhập cộng đồng dễ dàng hơn. Cũng là nơi để mọi người nâng cao sức khỏe tinh thần và không mặc cảm tự ti về khuyết tật của bản thân”, anh Thành chia sẻ.
Cầm tay, cầm cả… chân
Những ngày này, vượt qua cái nắng nóng khắc nghiệt để đến lớp nhưng trên khuôn mặt của những học viên luôn ánh lên nét rạng rỡ, tươi vui. Âm nhạc vang lên, tiếng cô giáo hô vang “1,2,3,4, tay trái đưa lên, 5,6,7,8 chân phải sang ngang…”, cũng là lúc các học viên bắt đầu di chuyển cơ thể, hoà mình vào giai điệu.
Là một HLV sức khoẻ đã có nhiều năm kinh nghiệm nhưng khi quyết định dạy nhảy miễn phí cho người khiếm thị, chị Hồ Thị Nhung vẫn gặp không ít khó khăn. “Hồi đầu, mình cũng chưa quen nên chưa biết cách kết nối với học viên, học viên thì đã tự ti lại càng ngại ngùng hơn, khiến cả cô cả trò đều căng thẳng. Nhưng chỉ sau 2-3 buổi thì mọi người đã biết cách hoà nhập và hào hứng đi học”, chị cho biết.
Để lớp học hiệu quả, chị Nhung đã phải thiết kế một “giáo án” riêng để phù hợp với thể trạng và đặc thù khuyết tật của những người khiếm thị. “Nếu như người bình thường khi nhảy sẽ sử dụng tay chân và ngôn ngữ hình thể rất nhiều thì với người khiếm thị, họ bị giới hạn bước đi, hạn chế hành động, nên những bài dành cho họ cũng phải đi từ những bước rất đơn giản nhất rồi mới nâng cao dần”. Bởi thế, thời gian đầu, không chỉ miêu tả bằng lời nói, cảnh cô giáo cầm tay, cầm cả… chân học viên để hướng dẫn các bước nhảy là chuyện diễn ra thường xuyên.
“Mọi người có nói rằng, người khiếm thị không thể nhảy được. Bản thân những người khiếm thị cũng nghĩ vậy. Và tôi muốn giúp họ thay đổi suy nghĩ đó”, chị Nhung nói. Được truyền cảm hứng bởi huấn luyện viên, các thành viên lớp nhảy từ người trẻ tuổi đến những người cao tuổi đều hào hứng tham gia.
Ông Nguyễn Hữu Miền, gần 70 tuổi, là học viên lớn tuổi nhất của lớp học cũng chia sẻ: “Dự định của tôi ban đầu là chỉ học 2-3 buổi cho biết nhưng giờ mà nghỉ buổi nào là tiếc buổi đó. Tham gia lớp học nhảy tôi vui lắm, tôi thấy mình trẻ ra, sức khoẻ tốt hơn”.
Theo Chủ tịch Hội người Mù quận Thanh Xuân, ngoài lớp nhảy zumba, sắp tới trong tháng 7, Hội cũng sẽ tổ chức lớp Yoga cho người khiếm thị. “Đôi mắt họ không còn lành lặn thì âm nhạc sẽ chỉ đường. Khiếm khuyết về đôi mắt nhưng những người khiếm thị lại có khả năng cảm nhận thanh âm, giai điệu rất tinh tế. Đây là một thuận lợi mà không phải đối tượng nào cũng có được”, anh Nguyễn Tiến Thành nhận định.