Dân Hàn tranh thủ dịch nCoV để xếp hàng mua đồ hiệu.
Giữa tâm dịch Covid-19, những nơi tập trung đông dân như công viên, hội chợ, trung tâm thương mai, khu vui chơi giải trí,...đều trở nên vắng vẻ không một bóng người, hình ảnh quen thuộc nhất chính là những hàng dài người xếp hàng mua khẩu trang. Thế nhưng ở Hàn Quốc - nơi đang được coi như "Vũ Hán thứ hai" với lượng người nhiễm lên đến con số hàng nghìn thì người dân lại có vẻ khá ung dung khi họ xếp hàng dài để mua đồ hiệu.
Kim, 31 tuổi, đã không ra khỏi nhà hai tuần kể từ khi dịch nCoV bùng phát. Ngày 22/2, cô quyết định đến Gwangju Shinsegae - trung tâm mua sắm hàng đầu tại Seoul. Cô đã tưởng ở đây sẽ rất vắng vẻ, cho đến khi thấy hàng dài người đeo khẩu trang, đứng xếp hàng trước các cửa hiệu Louis Vuitton, Gucci và Dior để chờ vào mua sắm.
"Tôi rất mừng vì cuối cùng cũng sắm được một chiếc Alma BB Monogram. Trước đây, lần nào tôi đến store Louis Vuitton cũng hết sạch", cô Kim nói.
Hàn Quốc vốn được xem như một "kinh đô mua sắm" ở châu Á với số lượng các cửa hàng đồ hiệu dày đặc. Nhiều du khách nước ngoài thường đến đây mua đồ xa xỉ vì mẫu mã đẹp, giá cả chấp nhận được. Điều đó khiến chính dân Seoul rất khó mua được các món đồ hiệu yêu thích.
Cũng như Kim, không ít dân Hàn muốn tranh thủ cơ hội vắng bóng khách du lịch, để có thể sở hữu những món đồ hiệu dễ dàng hơn. Vì thế, bất chấp sự lan rộng của virus corona với số ca nhiễm tại Hàn Quốc lên tới hơn 1.000 trường hợp, doanh số bán hàng của các thương hiệu xa xỉ vẫn tăng.
Theo báo cáo của hệ thống các trung tâm thương mại Shinsegae vào ngày hôm nay 26/2, doanh số trung bình của các thương hiệu cao cấp tại đây tăng 7,4% vào tuần trước (từ 17 đến 23/2). Riêng tại cơ sở ở Gangnam, doanh số còn tăng vọt lên tới 25,6%. Trung tâm này từng phải đóng cửa khu ẩm thực một ngày sau khi một khách hàng dương tính với virus corona đã dùng bữa tại đây vào 19/2, tuy nhiên điều đó không ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mốt cao cấp.
Từ ngày 18/2, số ca nhiễm bệnh ở Hàn Quốc bắt đầu tăng theo cấp số nhân với sự xuất hiện của "bệnh nhân số 31", được cho là trường hợp "siêu lây nhiễm". Trong khi chính phủ thông báo hạn chế tụ tập nơi công cộng, dân Seoul vẫn kéo nhau đến trung tâm thương mại Lotte, giúp doanh số của các mặt hàng thời trang cao cấp tại đây tăng 10,4% trong thời gian từ 17 đến 23/2. Điều này cũng xảy ra với trung tâm thương mại Hyundai.
Trong 2 ngày qua, khi Hàn Quốc nâng mức cảnh báo dịch bệnh lên cấp độ cao nhất, tình hình mua sắm ở các cửa hàng cao cấp mới có dấu hiệu sụt giảm nhẹ.
Tuy nhiên, chỉ có các cửa hàng thời trang cao cấp mới chứng kiến doanh thu tăng trưởng. Ở các khu bách hóa khác như mỹ phẩm, đồ gia dụng... hầu như chỉ có các nhân viên bán hàng đeo khẩu trang, rất vắng bóng người qua lại.