Thành phố công nghiệp Thẩm Dương ở vùng Đông Bắc Trung Quốc đã ghi nhận phần nào về thực trạng khủng hoảng bất động sản bão hòa này.
Từng là biểu tượng tăng trưởng của Trung Quốc, nay bất động sản lại là dấu hiệu của khủng hoảng ở đất nước tỷ dân này. Gia súc có lẽ là những cư dân đầu tiên của khu biệt thự xa xỉ ở rìa thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc.
Tập đoàn địa ốc khổng lồ mang tên Greenland đã động thổ xây dựng khu biệt thự nằm trên những quả đồi từ năm 2010. Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 năm sau, dự án từng được lên kế hoạch bao gồm 260 biệt thự phong cách châu Âu đã bị bỏ hoang. Nguyên nhân là bởi thời kỳ bất động sản tăng trưởng "nhanh như chớp" ở Trung Quốc bắt đầu giảm tốc.
(Ảnh: Feature China)
Tiến sĩ Kenneth Rogoff, Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard (Mỹ), nói: "Trung Quốc đã xây dựng bất động sản và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng với tốc độ chóng mặt trong nhiều thập kỷ, và cuối cùng đã gặp phải thực trạng lợi nhuận giảm dần".
Vào năm 2020, Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay trấn áp việc cho vay và đầu cơ địa ốc tràn lan. Các nhà phát triển bất động sản gánh nợ nần, trong khi nhu cầu mua nhà yếu. Báo cáo của một nhóm nghiên cứu cho thấy, gần 4% dự án nhà ở tại Trung Quốc bị bỏ dở tính đến tháng 6/2022. Số lượng này tương đương với 231 triệu m2 diện tích bất động sản.
Giờ đây, bên ngoài những hành lang đã đổ nát, những vòm nhà đã bị cây cỏ dại xâm lấn ở khu biệt thự tại Thẩm Dương, nông dân địa phương đang canh tác trên những mảnh đất vốn được hoạch định làm vườn cảnh cho các biệt thự.
(Ảnh: Feature China)
Cho đến nay, nguyên nhân dự án này thất bại vẫn chưa được làm rõ, nhưng những biệt thự chỉ có thể bán với giá nhiều triệu Nhân dân tệ này giờ không thể bán được cho người giàu, mà người bình dân thì không có tiền mua.
Trong năm 2022, cả chính quyền trung ương và địa phương đã tung ra những biện pháp khuyến khích để thu hút người mua nhà, thúc giục các ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay và dỡ bỏ những biện pháp hạn chế được đưa ra trước đại dịch COVID-19 nhằm hạ nhiệt thị trường nhà đất.