Khủng hoảng chưa từng có trong ngành thực phẩm chức năng Nhật Bản: Doanh số lao dốc 30% sau bê bối có chất độc, đến người bản địa cũng chẳng dám dùng, hàng loạt cái tên DHC, Asahi... lao đao

Thực phẩm chức năng không phải là thuốc nên không dùng cũng chẳng sao, còn người mua thì phụ thuộc rất lớn vào niềm tin thương hiệu. Bởi vậy khi Nhật Bản hạ tiêu chuẩn để thúc đẩy ngành này vào năm 2015, một cuộc khủng hoảng đã manh nha xuất hiện.

Tờ Nikkei Asian Review cho hay người tiêu dùng Nhật Bản đang tránh xa các loại thực phẩm bổ sung hay thực phẩm chức năng vì lo ngại an toàn sức khỏe sau bê bối sản phẩm liên quan đến men gạo đỏ của hãng Kobayashi Pharmaceutical.

Trước tình hình này, các nhà sản xuất thực phẩm bổ sung Nhật Bản đang gấp rút ra các thông cáo nhằm đảm bảo chất lượng an toàn với người tiêu dùng. Tuy nhiên theo Nikkei, việc khôi phục lại niềm tin trong ngành này không dễ, nhất là khi Nhật Bản nổi tiếng với quy trình kiểm tra chất lượng khắt khe nhưng lại để lọt vụ việc men gạo đỏ.

Xin được nhắc lại thực phẩm bổ sung không phải thuốc, không phải dạng bắt buộc cần dùng để chữa bệnh nên nhu cầu của người tiêu dùng phụ thuộc rất lớn vào niềm tin thương hiệu.

Tất cả mọi chuyện đều bắt đầu từ năm 2015 khi Nhật Bản hạ tiêu chuẩn cho một mảng thực phẩm chức năng mới khiến nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bỏ qua vấn đề an toàn sức khỏe người dùng.

Khủng hoảng chưa từng có trong ngành thực phẩm chức năng Nhật Bản: Doanh số lao dốc 30% sau bê bối có chất độc, đến người bản địa cũng chẳng dám dùng, hàng loạt cái tên DHC, Asahi... lao đao - Ảnh 1.

Ban lãnh đạo Kobayashi Pharmaceutical xin lỗi vì vụ bê bối men gạo đỏ

Khủng hoảng

Mới đây, Nhật Bản thông báo 5 người đã qua đời và hơn 100 người khác phải nhập viện sau khi dùng các sản phẩm có chứa men gạo đỏ của Kobayashi. Ngay lập tức các dòng sản phẩm này đã bị thu hồi.

Tuy nhiên vụ bê bối này đã gây chấn động dư luận khi xã hội hoang mang về trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra chất lượng Nhật Bản khi để xảy ra vụ việc.

Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Nhật Bản (CAA) đã tiến hành khảo sát và thẩm tra khoảng 1.700 sản phẩm thực phẩm chức năng tương tự xem có bất kỳ báo cáo về vấn đề sức khỏe nào hay không.

Kết quả của cuộc khảo sát trên sẽ là tiền đề để CAA có các động thái tiếp theo trong bối cảnh người tiêu dùng mất niềm tin vào hệ thống kiểm định chất lượng cũng như lo lắng về mảng thực phẩm chức năng Nhật Bản.

Trong khi đó, Nikkei cho hay doanh số bán thực phẩm chức năng tại Nhật Bản đã giảm 11% trong tuần tính đến ngày 1/4/2024 so với cùng kỳ năm trước.

Tồi tệ hơn, người phát ngôn của Hiệp hội tiếp thị trực tiếp Nhật Bản (JDMA) cho biết doanh số của nhiều hãng có thể giảm kỷ lục 20-30% sau bê bối này.

Trên thực tế, nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng tại Nhật Bản đã giảm từ đầu năm 2024 do giá cả tăng lên. Tuy nhiên sau vụ bê bối men gạo đỏ bị phát hiện vào giữa tháng 3/2024, giá thực phẩm chức năng tại Nhật Bản đã giảm khoảng 10%.

"Tôi từng thường xuyên dùng các thực phẩm chức năng nhưng giờ đây do khá lo lắng nên không còn mua chúng nữa", chị Mai Yoshida nói với Nikkei tại một cửa hàng thuốc ở Tokyo.

Sự mất niềm tin của người tiêu dùng Nhật Bản đang làm rung chuyển toàn ngành công nghiệp thực phẩm chức năng.

Khủng hoảng chưa từng có trong ngành thực phẩm chức năng Nhật Bản: Doanh số lao dốc 30% sau bê bối có chất độc, đến người bản địa cũng chẳng dám dùng, hàng loạt cái tên DHC, Asahi... lao đao - Ảnh 2.
Khủng hoảng chưa từng có trong ngành thực phẩm chức năng Nhật Bản: Doanh số lao dốc 30% sau bê bối có chất độc, đến người bản địa cũng chẳng dám dùng, hàng loạt cái tên DHC, Asahi... lao đao - Ảnh 3.

Ví dụ hãng Fancl cho biết số lượng hủy đơn hàng thực phẩm chức năng có tác dụng giảm Cholesterol, mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp này, đã tăng gấp 10 lần dù chúng không hề có chứa thành phần men gạo đỏ.

Để trấn an người tiêu dùng, Fancl bắt đầu tích cực quảng bá nhằm nhấn mạnh đến chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm.

Tương tự, thương hiệu DHC nổi tiếng cũng nhận được khoảng 12.000 đơn thắc mắc bày tỏ sự lo lắng của người dùng sau khi bê bối men gạo đỏ bị phát hiện. Tại các cửa hàng truyền thống của DHC, nhân viên bán hàng phải liên tục phát tờ rơi nhấn mạnh về độ an toàn của sản phẩm.

Tập đoàn Asahi Group Foods, nơi cung cấp loạt sản phẩm thực phẩm bổ sung mang thương hiệu Dear-Natura, cũng chứng kiến nhiều đơn hàng bị hủy hơn trên trang mua sắm trực tuyến.

777 tỷ Yên

Thực phẩm chức năng (Foods with Functional Claim-FFC) tại Nhật Bản được giới thiệu vào năm 2015 như một giải pháp giá rẻ thay thế cho Thực phẩm đặc biệt cho sức khỏe (Foods with Special Health Qualities-Tokuho), vốn cần sự sàng lọc khắt khe hơn từ chính phủ.

Do được phân loại thấp hơn nên chi phí đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cũng rẻ hơn, qua đó giúp các công ty nhỏ có thể gia tăng được lợi nhuận dễ dàng hơn. Tất cả những gì doanh nghiệp cần làm là nộp bằng chứng về tính hiệu quả của sản phẩm để đăng ký sản phẩm.

Khủng hoảng chưa từng có trong ngành thực phẩm chức năng Nhật Bản: Doanh số lao dốc 30% sau bê bối có chất độc, đến người bản địa cũng chẳng dám dùng, hàng loạt cái tên DHC, Asahi... lao đao - Ảnh 4.

Viên uống chứa men gạo đỏ của Kobayashi Pharmaceutical

Động thái hạ tiêu chuẩn này của Nhật Bản diễn ra dưới thời kỳ Cố Thủ tướng Shinzo Abe nhằm kích thích ngành thực phẩm chức năng. Đây là một trong những bước của sáng kiến bãi bỏ các quy định phức tạp để thúc đẩy kinh tế.

Nhờ đó, báo cáo của Fuji Keizai cho thấy thị trường thực phẩm chức năng FFC đã tăng trưởng 19% lên 686,5 tỷ Yên, tương đương 4,48 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 777 tỷ Yên vào năm 2026.

Thậm chí thị trường FFC đã vượt qua thị trường Tokuho vào năm 2020 khi cung ứng tới 7.000 sản phẩm, trong khi Tokuho chỉ có 1.000 mặt hàng. Sự dễ dàng về mặt tiêu chuẩn đã kích thích các doanh nghiệp kiếm lợi nhuận bất chấp những rủi ro về an toàn sức khỏe cho người dùng, dẫn đến vụ bê bối men gạo đỏ gần đây.

Không giống như dược phẩm, thực phẩm chức năng FFC không cần tuân theo các quy định tiêu chuẩn JGMP của Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa không có bất kỳ sự giám sát nào về phương pháp sản xuất, thành phần hoặc nồng độ, cũng như hình thức của sản phẩm (dạng viên thường hay viên nang)...

Điều này trái ngược với Mỹ khi có hẳn một khung pháp lý dành riêng cho các dạng thực phẩm bổ sung (Dietary Supplements ) mà các nhà sản xuất phải tuân thủ nhằm đảm bảo chất lượng.

Thậm chí Liên minh Châu Âu (EU) hay nhiều nước Đông Nam Á còn có những quy định cứng rắn hơn ở mảng thực phẩm bổ sung này.

"Nhật Bản rõ ràng đi sau trong vấn đề này", Người đứng đầu Viện tiêu chuẩn thực phẩm y tế Nhật bản, ông Hideko Ikeda thừa nhận.

Nguồn: Nikkei