Tối 29 Tết, Táo Quân 2022 chính thức lên sóng khiến khán giả mong chờ. Bên cạnh những ý kiến khen ngợi diễn xuất của dàn sao, chương trình năm nay cũng có không ít bình luận trái chiều. Cụ thể, nhiều khán giả bày tỏ sự khó chịu vì chương trình quảng cáo quá nhiều. Chỉ với 3 phút mở màn chương trình đã lồng ghép quảng cáo và càng về sau, mật độ càng dày đặc khiến nhiều người la ó: "Chiếu 3 phút quảng cáo 2 phút rồi", "Quảng cáo quá nhiều, chưa xem được gì đã lại quảng cáo"...
Tuy nhiên, vì là chương trình hot nhất nhì trong năm nên nhiều đơn vị sẵn sàng chi trả một số tiền lớn để quảng cáo xuất hiện giữa lúc Táo Quân công chiếu. Trước đó, từng có thông tin đơn giá quảng cáo chương trình Táo Quân phát sóng trên các kênh VTV ngày 31/1 là 325 triệu đồng/10 giây, 390 triệu đồng/15 giây, 487,5 triệu đồng/20 giây và 650 triệu đồng/30 giây. Bảng giá này được giữ nguyên như Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Năm 2019, giá quảng cáo cho khung 30 giây chỉ 530 triệu đồng.
Bên cạnh các ý kiến về quảng cáo, Táo Quân cũng gây nhiều ý kiến trái chiều về nội dung và sự đổi mới về nhân sự, trang phục. Theo đó, chương trình năm nay gồm các Táo Y tế, Giáo dục, Giao thông, Kinh tế, Xã hội, Nông nghiệp và có thêm Táo Mạng cập nhật khá đầy đủ các từ khóa nổi bật trong năm bằng các bài hát chế, thơ văn. Đáng chú ý là các chủ đề "nữ hoàng livestream", "dĩ dãng dơ dáy dễ gì giấu giếm", vùng xanh vùng đỏ, sát hạch giấy đi đường, danh sách hàng thiết yếu, bi hài chuyện học online, rác mạng, gà chứng khoán, ông ngoại, thầy ông nội... được điểm tên. Tuy nhiên chỉ một số sự việc được khen diễn sinh động như giấy đi đường, nửa đêm ra văn bản, bánh mì không phải thực phẩm thiết yếu, diễn tập sự cố đường sắt trên cao… Chuyện rác mạng được nhấn mạnh qua màn tung hứng giữa Ngọc Hoàng và Táo Mạng phê phán nhiều chuyện từ livestream chửi bới, đánh ghen, bán hàng "khoe body", thánh chửi, tin giả…
Còn lại nhiều "từ khóa" như minh bạch từ thiện, sao kê... chỉ được nhắc tên dù là sự kiện nổi bật nhất nhì năm 2021. Đặc biệt, nửa cuối chương trình, các sự kiện được nhắc đến khá nhanh, chưa kịp để khán giả hiểu rõ vấn đề đã lại chuyển "kênh" và kết thúc sớm khiến khán giả hụt hẫng: "Sao năm nay Táo Quân ngắn thế nhỉ", "Ủa hết rồi ạ"...
Không ít khán giả khen ngợi ê-kíp đã có sự cố gắng làm mới để tạo điểm nhấn, thú vị cho chương trình: "Táo Quân năm nay nội dung phê phán đúng và thâm thúy quá", "Phê phán quá đúng"... Dù vậy, với những phân tích về nội dung, sự việc nổi bật được lồng ghép vào chương trình, một số ý kiến cũng cho rằng Táo Quân đã trải qua gần 20 mùa nên không thể tránh khỏi sự nhàm chán, lặp đi lặp lại cái cũ. Nếu như trước đây các "bê bối" được phê phán một cách sâu sắc, khiến nhiều người "cười chảy nước mắt" thì Táo Quân giờ đây đã bớt "cay nghiệt". Chính điều này khiến một bộ phận khán giả không còn hào hứng với Táo Quân đêm cuối năm: "Ngày xưa Táo Quân tạo ra "trends" giờ toàn "bắt trends" nên lại mất hết bản sắc, kém sâu sắc và bỏ quên khán giả đại chúng, hẫng ơi là hẫng".
Cặp đôi Nam Tào - Bắc Đẩu mới
Đồng thời, năm nay cặp đôi Bắc Đẩu – Nam Tào kỳ cựu do nghệ sĩ Công Lý – Xuân Bắc đóng được giới thiệu “đã nghỉ hưu”, thay vào đó là Trung Ruồi và Đỗ Duy Nam thế vai. Từ trước đến nay, Công Lý ghi dấu ấn với khán giả qua vai Bắc Đẩu giả gái đanh đá, chảnh chọe, hay bắt bẻ các Táo. Thế nhưng năm nay không còn “cô Đẩu”, thay vào đó là “anh Đẩu” với tạo hình nam tính, mạnh mẽ, một bộ trang phục xuyên suốt không làm nên nét đặc trưng của nhân vật khiến khán giả có phần “không quen mắt”.
Trong khi đó, diễn xuất của Trung Ruồi và Đỗ Duy Nam bị nhận xét chưa thuyết phục bên cạnh dàn sao kỳ cựu như nghệ sĩ Quốc Khánh, Chí Trung, Tự Long, Vân Dung, Quang Thắng: “Không có Nam Tào Bắc Đẩu cũ thấy thiếu vắng quá”, “Thực sự là sẽ tuyệt hơn nếu là Tào Đẩu cũ! Tào Đẩu mới này, chưa đủ trình", "Vẫn mong Tào và Đẩu cũ”... Tuy nhiên cũng có không ít người dành lời khen ngợi, cổ vũ hai nhân tố mới này: “Không thể so sánh như thế được”, “Mình thấy hai diễn viên trẻ diễn xuất cũng được mà”, “Táo Quân vẫn hay”, “Cảm ơn các nghệ sĩ”, “Chỉ có thể nói hai từ: Quá đỉnh”,...