Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn

Hàn Quốc đã trải qua nhiều thay đổi trong vài thập kỷ qua, khiến một bộ phận giới trẻ rơi vào trạng thái lạc lõng.

Áp lực xã hội và những khó khăn của giới trẻ Hàn Quốc

Trong vài thập kỷ qua, Hàn Quốc đã trải qua nhiều thay đổi lớn, khiến một bộ phận giới trẻ rơi vào trạng thái lạc lõng. Nhiếp ảnh gia Yang Seung Woo đã ghi lại cuộc sống của những chàng trai, cô gái trẻ, những người, giống như ông, chọn cách sống khác biệt và không đi theo những chuẩn mực xã hội cũ của đất nước.

Trong vài thập kỷ qua, Hàn Quốc đã trở thành một xã hội cạnh tranh khốc liệt hơn, nơi những thay đổi hiện tại đan xen với nền tảng văn hóa và truyền thống lâu đời. Kết quả là, Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử ở thanh niên cao nhất trong các quốc gia phát triển và tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới.

Trong cuốn sách, Yang khắc họa chân dung những người trẻ ở Hàn Quốc - những người giống như ông, không tuân theo các chuẩn mực mà xã hội áp đặt, từ ngoại hình, tư duy đến mong muốn trong cuộc sống. Thông qua bộ ảnh và những đoạn phỏng vấn ngắn, Yang không chỉ tôn vinh cách sống khác biệt của họ mà còn đặt câu hỏi về thực trạng xã hội Hàn Quốc hiện tại, nơi người trẻ đang chịu áp lực nặng nề từ những kỳ vọng và việc thể hiện bản thân đã trở thành hành động đầy dũng cảm.

Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 1.
Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 2.

Dự án này bắt nguồn từ một thảm kịch gây chấn động toàn cầu, khiến hơn 150 người thiệt mạng và gần 200 người khác bị thương. “Đã khá lâu kể từ lần cuối tôi trở về quê hương Hàn Quốc, cho đến khi tôi nghe tin về vụ tai nạn kinh hoàng năm 2023. Vào một ngày cuối tuần gần lễ Halloween, một vụ chen lấn đã xảy ra ở Itaewon - khu phố ở Seoul nổi tiếng với giới trẻ. Tôi không thể tin rằng có thể có nhiều người thiệt mạng đến vậy trong một tai nạn như thế” , Yang chia sẻ với Blind. “Đây là lần thứ hai một thảm kịch lớn cướp đi nhiều mạng sống của người trẻ trong lúc tôi đang ở Hàn Quốc. Lần trước là khi phà Sewol chìm… Tôi bỗng cảm thấy thôi thúc muốn gặp gỡ và trò chuyện với những người trẻ này”.

Yang Seung-Woo đến với nhiếp ảnh không phải vì đam mê, mà ban đầu chỉ là một cách để xin visa du học, cụ thể là ở Nhật Bản, với mong muốn rời khỏi Hàn Quốc. Trong quá trình học, ông nhận ra nhiếp ảnh là công việc phù hợp với tính cách thích làm việc độc lập. Sau khi tốt nghiệp tại Viện Nhiếp ảnh Nippon và Đại học Bách khoa Tokyo, ông bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh tại Nhật Bản.

Nhiếp ảnh cũng chính là cách Yang Seung-Woo gặp gỡ những người trẻ Hàn Quốc được giới thiệu trong dự án của mình. “Khoảng một nửa trong số họ là những bạn trẻ từng đến triển lãm ảnh của tôi. Tôi đã trò chuyện và mời họ tham gia dự án. Những người còn lại, tôi tìm qua Instagram. Một vài người trong số họ cũng là bạn bè cũ của tôi” , Yang chia sẻ.

Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 3.
Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 4.
Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 5.
Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 6.

Những câu chuyện qua ống kính của Yang Seung-Woo

Xã hội Hàn Quốc mà Yang và những nhân vật trong ảnh của ông muốn chống lại là một xã hội đầy cạnh tranh, nơi học vấn, ngoại hình và xuất thân gia đình được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu. Yang chia sẻ: “Điều đầu tiên mà mỗi người có thể tự mình thay đổi là học vấn, nên phần lớn áp lực dồn vào đó. Tiếp đến là ngoại hình, và đó cũng là lý do phẫu thuật thẩm mỹ rất phổ biến. Ở đây, không có gì lạ khi phẫu thuật thẩm mỹ được tặng như một món quà nhập học. Còn xuất thân gia đình là thứ không thể thay đổi. Nếu có ngoại hình đẹp, bạn sẽ có lợi thế khi đi xin việc… Ở những khu phố nổi tiếng về phẫu thuật thẩm mỹ, dường như có rất nhiều người sở hữu khuôn mặt giống nhau”.

Những người trẻ trong các bức ảnh của Yang sẽ không hề “lạc lõng” nếu xuất hiện ở New York hay bất kỳ thành phố lớn nào của Mỹ. Với mái tóc nhuộm nhiều màu sắc, hình xăm, đầu cạo, hay những bộ trang phục cá tính, họ hoàn toàn bình thường trong bối cảnh nước Mỹ. Những bức chân dung đầy màu sắc của Yang ghi lại khoảnh khắc họ vui đùa, tạo dáng hài hước, hoặc đơn giản chỉ là sống đúng với tuổi trẻ. Họ hiện lên như những người trẻ đầy cá tính, tự tin thể hiện bản thân giữa những người đồng trang lứa.

Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 7.
Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 8.

Hiện nay, tỷ lệ tự tử ở giới trẻ Hàn Quốc đang ở mức báo động và đã gia tăng đều đặn trong vài thập kỷ qua. Với con số 24,6 trên 100.000 người, Hàn Quốc đứng đầu trong các quốc gia phát triển về tỷ lệ tự tử. Để so sánh, tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 14,5 trên 100.000 người, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đáng chú ý, từ năm 2018 đến 2019, số người Hàn Quốc dưới 40 tuổi tự tử đã tăng 10% .

Yang nhận định: “Tôi tin rằng tỷ lệ tự tử cao ở giới trẻ Hàn Quốc là kết quả của một xã hội cạnh tranh khắc nghiệt và sự thiếu đa dạng trong hệ giá trị. Người trẻ được dạy rằng bất cứ điều gì khác với những gì xã hội hoặc người khác coi là ‘an toàn’ hay ‘thành công’ đều không được chấp nhận. Vì vậy, nhiều người không biết phải làm gì khi không đạt được những kỳ vọng này. Tôi nghĩ họ đang kiệt quệ về tinh thần. Mọi chuyện sẽ khác nếu có những người lớn sẵn sàng quan tâm và hỗ trợ họ, nhưng tôi thấy thật khó để cá tính của những người trẻ được công nhận trong môi trường hiện tại”.

Những người trẻ trong các bức ảnh của Yang Seung-Woo lớn lên trong một xã hội đầy áp lực. Một số đã bỏ nhà ra đi, mong muốn tìm kiếm con đường riêng, trái ngược với kỳ vọng của cha mẹ. Một số khác tự nhốt mình trong nhà, cắt đứt liên lạc với xã hội sau những mâu thuẫn với người ở vị trí cao. Cũng có những người chìm sâu trong trầm cảm vì bị bắt nạt.

Thông qua những bức ảnh, Yang mong muốn tiếp cận những người trẻ đang cảm thấy lạc lối, những người không thể theo đuổi cái gọi là "thành công" mà xã hội Hàn Quốc đề cao. Ông hy vọng chúng có thể khơi dậy trong họ một niềm hy vọng, một mục tiêu mới trong cuộc sống. Đồng thời, những tác phẩm này truyền tải thông điệp rằng không có cách sống nào là chuẩn mực duy nhất. Yang mong muốn giúp giới trẻ Hàn Quốc nhìn nhận lại cuộc sống của mình và tìm ra con đường phù hợp với cá tính của họ, thay vì phải chạy theo những tiêu chuẩn xã hội áp đặt.

Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 9.
Lạc lối, kiệt sức giữa những kỳ vọng: Khi mỗi bức ảnh là một lát cắt đau thương của giới trẻ Hàn- Ảnh 10.

Liệu những thanh thiếu niên và người trẻ này có hy vọng rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn? Yang Seung-Woo chia sẻ: “Tôi không biết rõ, nhưng với tư cách là một người sống ngoài xã hội Hàn Quốc, vì tôi đang sống ở Nhật Bản, tôi cảm thấy điều này vẫn rất khó vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tôi tin rằng thời gian có thể sẽ thay đổi mọi thứ. Có lẽ khi những người trẻ này trưởng thành, đạt đến độ tuổi như tôi bây giờ, mọi thứ sẽ khác đi. Lúc đó, có thể Hàn Quốc sẽ đối mặt với những vấn đề khác, như tỷ lệ sinh giảm và thiếu hụt người trẻ trong lực lượng lao động”.

Và biết đâu, chính những thay đổi đó sẽ giúp làm lung lay những chuẩn mực xã hội khắt khe hiện tại, mở ra cánh cửa cho thế hệ sau, để họ không phải chịu đựng những kỳ thị mà thế hệ trẻ hôm nay đang đối mặt.

Nguồn: Blind Magazine