
(Ảnh: Đại học Liverpool John Moores)
Phát hiện trên đánh dấu bước tiến lớn trong giải mã gene người cổ đại và có thể giúp làm sáng tỏ quá trình hình thành của nền văn minh lâu đời nhất thế giới.
Nhóm nghiên cứu quốc tế do nhà di truyền học Pontus Skoglund thuộc Viện Francis Crick, Anh dẫn đầu đã công bố kết quả trên tạp chí Nature. Mẫu vật là răng của một người đàn ông cao tuổi, sống cách đây khoảng 4.800 - 4.500 năm - tức vào thời kỳ Cổ Vương quốc, kỷ nguyên xây dựng các kim tự tháp.
Nỗ lực tách ADN từ xác ướp Ai Cập bắt đầu từ năm 1985, khi nhà di truyền học Svante Pääbo công bố chuỗi ADN cổ đầu tiên từ một xác ướp trẻ em 2.400 năm tuổi. Tuy nhiên, sau đó ông nhận ra mẫu đã bị lẫn ADN hiện đại - có thể là của chính ông. Những lần thử tiếp theo - như nghiên cứu vào năm 2017 - chỉ thu được dữ liệu di truyền hạn chế.
Khí hậu nóng và quy trình ướp xác của Bắc Phi khiến ADN nhanh chóng phân hủy. Vì vậy, nhóm của ông Skoglund chọn bộ hài cốt chưa trải qua ướp xác, mà được chôn trong một bình gốm - dấu hiệu người chết thuộc tầng lớp khá giả nhưng không phải quý tộc.
Hài cốt của người đàn ông này được phát hiện trong một chiếc bình đất sét kín tại làng Nuwayrat, phía Nam thủ đô Cairo. Từ năm 1902, hài cốt được lưu giữ tại các viện bảo tàng ở Liverpool (Anh), thậm chí sống sót qua đợt ném bom của Đức trong Thế chiến II.

Quan tài bằng gốm và di vật khảo cổ của cá nhân tại làng Nuwayrat, được phát hiện vào năm 1902 (Ảnh: Đại học Liverpool John Moores)
Kết quả phân tích cho thấy 80% gene của người này đến từ người cổ đại Bắc Phi, còn lại là từ Tây Á và Lưỡng Hà. So sánh với dữ liệu di truyền của hơn 3.800 cá nhân cổ đại và hiện đại cho thấy tổ tiên ông có liên hệ với vùng Lưỡng Hà. Đây cũng là bằng chứng di truyền đầu tiên khẳng định các mối liên kết giữa Ai Cập cổ đại và các nền văn minh Lưỡng Hà.
Các đồng vị trong răng xác định người đàn ông lớn lên ở vùng khí hậu nóng và khô của Thung lũng sông Nile, với chế độ ăn gồm lúa mì, lúa mạch và protein từ động - thực vật. Phân tích nhân chủng học cho thấy ông cao hơn 1,5 mét, sống đến 44 – 64 tuổi, được coi là rất thọ so với thời kỳ đó. Xương cho thấy ông lao động nặng nhọc suốt đời, với các dấu hiệu viêm khớp, loãng xương và tổn thương do mang vác nặng.
Những phát hiện này mở ra hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu nguồn gốc và sự di cư của người Ai Cập cổ đại - vốn từng bị cản trở bởi điều kiện môi trường khiến ADN khó bảo quản.
Nhờ công nghệ phân tích ADN tiên tiến và các phòng thí nghiệm mới, giới khoa học kỳ vọng sẽ sớm giải mã thêm nhiều bộ gene cổ, thậm chí từ chính các xác ướp. Điều này có thể làm sáng tỏ lịch sử di cư và giao lưu văn hóa hàng nghìn năm trước mà không cần đợi thêm 40 năm nữa như trường hợp trước đây.