Trong thông báo mới nhất, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Hôm nay, thế giới tiếc thương sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Ngài đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt ra ngoài phạm vi Giáo hội Công giáo, bằng sự khiêm nhường và tình yêu thuần khiết dành cho những người kém may mắn. Tôi xin chia sẻ với tất cả những ai đang cảm nhận nỗi mất mát sâu sắc này ”.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “ Trong suốt thời kỳ làm nhiệm vụ, Giáo hoàng Francis luôn đứng về phía những người yếu thế và dễ tổn thương nhất. Ngài đã làm điều đó với lòng khiêm nhường sâu sắc. Trong thời đại chiến tranh và tàn bạo này, ngài luôn cảm nhận được nỗi đau của người khác, của những người mong manh nhất ”.

Giáo hoàng Francis (1936-2025). (Ảnh: CNN)
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết, “k hi Giáo hoàng Francis qua đời, gần một tỷ rưỡi tín đồ Công giáo trên toàn thế giới mất đi một vị lãnh đạo quan trọng - cả về mặt đạo đức và tôn giáo. Ngài sẽ được tưởng nhớ vì sự khiêm nhường, vì cuộc đấu tranh chống đói nghèo và bất công xã hội, và vì là một người kiên định bảo vệ phẩm giá của mọi con người ”.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cũng gửi lời chia buồn sâu sắc nhất: “ Cộng đồng Công giáo toàn cầu tiễn biệt một vị lãnh đạo đã nhận ra những vấn đề nóng bỏng của thời đại chúng ta và lên tiếng về chúng. Giáo hoàng Francis là tấm gương cho nhiều người — cả Công giáo và ngoài Công giáo. Chúng tôi ghi nhớ ngài với lòng kính trọng sâu sắc ”.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez viết: “ Tôi vô cùng tiếc thương trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Sự dấn thân của ngài cho hòa bình, công bằng xã hội và những người yếu thế để lại một di sản sâu sắc. Mong ngài an nghỉ trong bình an ”.
Khác với sự trang trọng truyền thống của Vatican, Giáo hoàng Francis mong muốn được an táng bên ngoài Vatican. Ông muốn được chôn cất tại Vương cung Thánh đường Santa Maria Maggiore – một trong bốn đại thánh đường quan trọng nhất của Kitô giáo, nơi ông đặc biệt yêu mến vì lòng sùng kính Đức Mẹ Maria.
Santa Maria Maggiore là nơi lưu giữ biểu tượng Đức Mẹ Byzantine “Salus Populi Romani” – biểu tượng cứu rỗi của người dân Rome – nơi Giáo hoàng luôn đến cầu nguyện trước và sau mỗi chuyến công du nước ngoài. Ngay sáng sớm 14/3/2013, chỉ vài giờ sau khi được bầu làm Giáo hoàng, ông đã đến đây cầu nguyện.
Trong suốt gần 12 năm nhiệm kỳ, Giáo hoàng Francis thường xuyên trở lại nơi đây vào những thời điểm trọng đại: cầu nguyện cho đại dịch COVID-19 vào năm 2019, hay sau hai cuộc phẫu thuật thành bụng vào năm 2021 và 2023.
Dù vậy, tang lễ của Giáo hoàng Francis dự kiến được tổ chức tại Quảng trường Thánh Peter, trước Vương cung Thánh đường Thánh Peter – nơi an nghỉ của hầu hết các Giáo hoàng tiền nhiệm.