Đối với tân sinh viên mới ra thành phố nhập học, nơi ăn chỗ ở là vấn đề quan trọng hàng đầu. Bên cạnh việc ở ký túc, thuê nhà trọ, nhiều gia đình muốn gửi con ở nhà họ hàng, vừa để tiết kiệm chi phí ăn ở, vừa mong muốn con có thời gian thích ứng với cuộc sống mới nơi thành phố xa lạ.
Tuy nhiên, cũng vì tâm lý gửi gắm đó mà nhiều bạn trẻ rơi vào tình uống khó xử. Những nỗi bất tiện khi ở cùng người quen khiến họ than trời: “Đi không được, ở cũng không xong”.
Phương Thuý (sinh viên năm 3 một trường đại học ở Hà Nội) có trải nghiệm nhớ đời trong gần một năm ở nhờ nhà người quen. Ngoài giờ học, Thuý giống như người giúp việc không công cho nhà chị họ, phải làm đủ thứ việc như: nấu cơm, rửa bát, lau dọn nhà cửa, trông trẻ, thậm chí là giao hàng.
Mỗi ngày, ngoài giờ học, cô phải hỗ trợ chị họ đến 9 giờ tối, đủ các thứ việc không tên, trong đó, việc khiến cô nàng “kinh hãi” nhất là trông hai đứa cháu 5 tuổi và 2 tuổi.
“Hai đứa trẻ nô đùa, nghịch ngợm cả ngày, mình thì không dám quát tháo, đe nẹt chúng vì sợ mất lòng chị họ. Ban ngày phải trông cháu, dọn dẹp nhà cửa, không có thời gian học bài, mình cố tranh thủ 1, 2 tiếng buổi đêm để học mà lắm khi cũng bị gọi sang pha sữa cho cháu”, Thuý chia sẻ.
Chị họ bán hàng online, Phương Thuý trở thành shipper bất đắc dĩ. Cô nàng dự định đi làm thêm, học thêm Tiếng Anh và một vài kỹ năng khác trong kỳ nghỉ hè nhưng lại bị chị họ giữ lại giúp trông cháu, làm việc nhà và giao hàng. Quá mệt mỏi, cô gọi điện xin bố mẹ được ra ngoài thuê trọ thì chỉ nhận được câu trả lời: “Ra ngoài bay nhảy, tự do hư người”.
“Đến khi điểm tổng kết năm đầu tiên quá kém, mình quyết dọn quần áo ra ngoài ở ghép với bạn, mặc kệ bố mẹ phản đối, chị họ nói mình là kẻ vô ơn. Mình cũng muốn được như các bạn, có không gian yên tĩnh để học tập, được tự do đi làm thêm, trải nghiệm cuộc sống chứ không phải chỉ quanh quẩn đến trường rồi về nhà nấu cơm, trông trẻ…
Đến nay là 2 năm mình ra ngoài thuê trọ, kết quả học tập tốt, kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống, chỉ xin bố mẹ chu cấp tiền học phí thì bố mẹ mới công nhận rằng, không phải cứ ở nhờ nhà người thân mới là tốt nhất”, Thuý tâm sự.
Nhiều sinh viên than thở, ở chung với họ hàng có lắm nỗi bất tiện (ảnh minh hoạ)
“Chân ướt chân ráo” ra thành phố nhập học, Ngọc Ánh (sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) luôn tự hào khi mình đã có nơi ăn chỗ ở tử tế thì các bạn vẫn đang loay hoay kiếm phòng trọ. Thế nhưng, chuỗi ngày sau đó lại khiến cô nàng mệt mỏi vô cùng.
Ngọc Ánh vẫn biết ở nhờ nhà người thân không được tự do như thuê trọ và bên cạnh việc học, cần tranh thủ thời gian làm việc nhà. Dẫu vậy, cô không ngờ, công việc nhà phải làm lại nhiều và cầu kỳ đến vậy.
“Tan học mình phải về nhà luôn, không được la cà. Bác nắm lịch học của mình rất kỹ, hôm nào về muộn chút là bị trách mắng hoặc thái độ ngay. Bác làm nghề buôn bán nên rất bận, mấy việc như nấu cơm, rửa bát, phơi, gấp quần áo, lau nhà… đều do mình làm. Mà mọi người lại kỹ tính trong việc ăn uống, thực đơn bữa nào cũng vài món theo sở thích từng người”, Ngọc Ánh kể lại.
Biết Ngọc Ánh giỏi Tiếng Anh, người thân nhờ luôn cô nàng làm gia sư cho con em họ khiến cô không còn thời gian riêng cho bản thân. Quá mệt mỏi với cuộc sống “ăn nhờ ở đậu”, Ngọc Ánh quyết định xin bố mẹ cho ra ngoài thuê trọ.
“Đồng ý rằng ở nhờ nhà người thân mình tiết kiệm được một khoản tiền thuê nhà, hơn nữa, cũng giúp bố mẹ yên tâm hơn. Thế nhưng, cuộc sống ở nhờ quá phức tạp vẫn nên tự túc thì hơn”, Ngọc Ánh chia sẻ.
Nguyễn Hoa (Nghệ An) dù đã ra trường nhưng vẫn không quên được quãng thời gian 2 năm đầu sinh viên ở nhờ nhà cậu mợ. Đối với cô nàng, khó khăn lớn nhất khi ở chung cùng người thân là nếp sống sinh hoạt khác nhau dẫn đến nhiều nỗi bất tiện và tình huống khó xử.
Hoa không lăn tăn chuyện giúp đỡ cậu mợ làm việc nhà, thậm chí sẵn sàng coi đó là trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, vì "thói ăn nếp ở" khác nhau nên cô không thể làm hài lòng cậu mợ.
"Ví dụ như nấu món thịt gà, ở quê mình chỉ rang hoặc luộc là xong nhưng ở đây, cậu mợ còn hầm, nấu canh với đủ loại gia vị. Dù mợ hướng dẫn cẩn thận mình vẫn nấu không ngon, cuối cùng bữa cơm mất vui, mình bị nói là quen thói "chém to kho mặn". Hoặc như, ở quê mình thường quen dậy sớm, còn ở đây mọi người dậy muộn. Nhà chung cư nhỏ hẹp, mình muốn dậy làm gì đó cũng phải thật nhẹ nhàng, tránh làm phiền mọi người. Nói chung, ở nhờ nhà người thân là phải đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, ăn uống phải để ý. Dù sao cũng là tâm lý đi ở nhờ, làm gì cũng phải làm hết sức mình", Hoa chia sẻ.
Hoa còn bị ảnh hưởng không ít bởi không khí tiêu cực trong gia đình nhỏ của cậu mợ. Cô nàng tâm sự, cậu mợ cô thường xuyên lục đục, cãi vã và những lúc như vậy, cô không biết phải biểu lộ cảm xúc thế nào cho phù hợp. "Nhiều khi đi học về, thấy không khí căng thẳng bao trùm, mình chán nản vô cùng, nói gì, làm gì cũng sợ "đổ thêm dầu vào lửa". Cuộc sống ở chung lắm bất tiện là vậy mà mình phải cố ở 2 năm bởi nhiều lý do khó nói", Hoa kể.
Sống chung với người thân đem đến nhiều lợi ích như tiết kiệm, an toàn, tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn không mặn mà với phương án này bởi sự phức tạp, bất tiện mà cuộc sống ở nhờ đem lại.
***
Ở nhờ nhà người thân được cho là phương án khả quan khi giúp sinh viên tiết kiệm tài chính lại có nơi ăn chỗ ở tử tế, an toàn... Nhưng thực tế có như vậy? Mời độc giả đón đọc bài viết tiếp theo.