Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu "Nghệ sĩ nhân dân" (NSND), "Nghệ sĩ ưu tú" (NSƯT) lần thứ 10 lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTTDL để lấy ý kiến của nhân dân.
Trong danh sách các hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu lần này, lĩnh vực có số hồ sơ đông nhất là Sân khấu với 88 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 215 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT. Lĩnh vực Âm nhạc có 45 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 67 hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT.
Bên cạnh những gương mặt thân quen có tên trong danh sách được xét tặng nghệ sĩ nhân dân, khán giả thắc mắc một số trường hợp như NSƯT Lê Thiện, Thoại Mỹ, anh em Quốc Cơ - Quốc Nghiệp không qua vòng xét duyệt Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.
Bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng giải đáp trong cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ VHTTDL, các trường hợp nghệ sĩ nêu trên đều thuộc Hội đồng do TP.HCM gửi ra. Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước ở lĩnh vực sân khấu đã thảo luận công khai. Thường trực Hội đồng đảm bảo đưa ra đầy đủ hồ sơ của nghệ sĩ để các thành viên thảo luận.
"Với danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, ngoài việc xét theo giải thưởng, huy chương còn được xem xét theo 4 tiêu chí của Điều 8 Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung NĐ 89 về xét tặng danh hiệu. Đối với nghệ sĩ không có giải thưởng thì phải xét xem có quá trình cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có tầm ảnh hưởng và có sức ảnh hưởng trong từng loại hình nghệ thuật. Sau khi thảo luận, Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín và kiểm phiếu tại chỗ. Sau cuộc họp, kết quả bỏ phiếu khá đẩy đủ và chính xác tinh thần đã thảo luận trước đó”, bà Nguyệt nói.
Theo đó, kết quả bỏ phiếu thì các nghệ sĩ này "đều không đạt trên 80% số phiếu của hội đồng". Tỷ lệ phiếu bầu được hạ xuống từ 90% phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có mặt ở Nghị định cũ. Lãnh đạo Vụ Thi đua - Khen thưởng cũng cho biết, sau khi bỏ phiếu và kiểm phiếu xong, các thành viên Hội đồng đều nắm rõ kết quả, có thể có trao đổi với nghệ sĩ về kết quả đó.
"Việc xét tặng danh hiệu giải thưởng không phải cuộc thi nên không có phần phúc khảo", bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt nói. Giải thích rõ hơn về "phúc khảo", bà Nguyệt nói rằng theo quy định sau khi không được xét danh hiệu vinh dự Nhà nước (danh hiệu NSND, NSƯT), theo quy định Bộ sẽ tiếp nhận và xử lý đơn thư trong 20 ngày. Việc trả lời bằng văn bản và có trao đổi với các đơn vị liên quan tới từng chuyên ngành như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Điện Ảnh… để trả lời người có đơn thư. "Việc có mở lại Hội đồng xét duyệt hay không sẽ do các cấp có thẩm quyền quyết định", bà Nguyệt nói.
Lãnh đạo Vụ Thi đua - khen thưởng cũng nêu quan điểm có nên bỏ việc làm hồ sơ xin-cho như nhiều nghệ sĩ nêu ý kiến: Nguyên tắc của xét tặng danh hiệu, giải thưởng đều dựa trên sự tự nguyện của cá nhân, hiện nay không có đơn xin mà là tờ đăng ký. Đây chính là căn cứ để hội đồng xét tặng.
Ảnh: Tổng hợp