Lộ diện loài "rồng quái vật" chưa từng thấy trên thế giới

Quái vật được tìm thấy tại một mỏ phốt phát ở Morocco là một loài mới thuộc nhóm bò sát bí ẩn gọi là "thương long".

Theo Sci-News, các phần xương hóa thạch có niên đại lên tới 67 triệu tuổi của con quái vật đã được khai quật tại mỏ phốt phát Sidi Chennane ở tỉnh Khouribga của Morocco.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Đại học Bath (Anh) đã xác định nó thuộc chi Carinodens của nhóm bò sát nổi tiếng Mosasaur, tức "thương long".

Lộ diện loài

Quái vật thương long - Ảnh đồ họa: SCITECH DAILY

Được đặt theo tên cổ của "thanh long", nhóm sinh vật cổ đại này có thân hình và cách bơi lội khá giống những con rồng biển thần thoại, nhưng có lẽ là phiên bản đáng sợ hơn nhiều.

“Vào cuối kỷ Phấn Trắng, các loài thương long đã tiến hóa với hình thái răng cực kỳ đa dạng” - nhà cổ sinh vật học Nicholas Longrich, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Đó là những chiếc răng hình nón lớn để bắt và xé con mồi, răng tù để nghiền xương, răng giống như dao và lưỡi kiếm để đâm và cắt con mồi lớn, răng giống như lưỡi cưa để cắt, răng hình củ hành để nghiền nát động vật có vỏ cứng...

Con quái vật được phát hiện ở Morocco đã bổ sung cho bộ sưu tập quái dị này bằng một số răng hình chữ nhật và hình thang, được sử dụng như "máy nghiền".

Vì vậy, mặc dù sở hữu thân hình chỉ dài khoảng 2-3 m - nhỏ hơn đa số các loài thương long khác, vốn có thể dài cả chục mét - loài mới này vẫn là một kẻ săn mồi đáng gờm nơi đại dương cổ đại.

Nó sống vào 67 triệu năm trước, tức cuối kỷ Phấn Trắng, là thời kỳ hoàng kim của các loài bò sát khổng lồ, bao gồm khủng long trên mặt đất, dực long thống trị bầu trời và các loài "rồng" như thương long, ngư long khuấy đảo biển khơi.

Rất tiếc - hoặc rất may mắn cho chúng ta - kỷ nguyên quái vật này đã kết thúc đột ngột chỉ 1 triệu năm sau đó bởi thảm họa thiên thạch Chicxulub.

Loài mới được đặt tên là Carinodens acrodon. So với "anh chị em" cùng chi, bộ răng của nó có những chi tiết đặc trưng, bao gồm một số răng có đỉnh răng hình tam giác và đáy răng rộng.

Nhưng cũng giống như các Carinodens, chúng có hàm răng dài và thon.

Đây cũng là mẫu vật Carinodens có bộ răng tốt nhất từng được tìm thấy trên thế giới, gồm cả hàm trên và hàm dưới được bảo quản tốt, hứa hẹn cung cấp thêm nhiều hiểu biết.

Bởi lẽ bộ răng của các sinh vật cổ đại có thể tiết lộ bữa ăn của chúng và cả môi trường xung quanh chúng, thông qua những thứ đọng lại nơi men răng và cách mà răng bị mài mòn.

Hai loài cùng chi khác là Carinodens belgicus và Carinodens minalmamar đã được tìm thấy ở nhiều quốc gia, cho thấy dòng họ này có thể phân bố khá rộng rãi và đa dạng vào cuối kỷ nguyên quái vật trên địa cầu.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Diversity.