Lo ngại rác thải từ trào lưu dùng quạt cầm tay

Quạt điện cầm tay dễ mua, giá rẻ nhưng cũng đồng nghĩa với việc chúng dễ dàng bị bỏ đi thành một loại rác thải ngày càng chất đống.

Những chiếc quạt điện cầm tay vô cùng phổ biến trong mùa hè là một ví dụ tiêu biểu của công nghệ nhanh - một xu hướng phổ biến chỉ những thiết bị điện tử đơn giản, hữu ích song lại không quá tốn kém để mua, khiến nhiều người sẵn sàng mua sắm để phục vụ những nhu cầu tức thời. Tuy nhiên, dễ mua, giá rẻ cũng đồng nghĩa với việc chúng dễ dàng bị bỏ đi thành một loại rác thải ngày càng chất đống.

Nhiều vùng tại nước Anh đang oằn mình trong cái nóng cháy bỏng của mùa hè. Thế nên, nhiều người đang chuyển sang dùng những chiếc quạt điện mini để làm mát khi ra ngoài đường. Nhưng chúng có thực sự giúp ích?

Một người tiêu dùng chia sẻ: "Mọi người nghĩ quạt sẽ giúp làm mát, nhưng không. Nó quá bé nên chỉ đẩy qua đẩy lại không khí nóng mà thôi".

"Bạn có thể làm gì với chúng bây giờ? Thực tình mà nói, trông chúng khá rẻ tiền nên nhiều khả năng sẽ hỏng nhanh" - một người tiêu dùng khác nêu quan điểm.

Lo ngại rác thải từ trào lưu dùng quạt cầm tay- Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: seoulskin.co.uk)

Chính tâm lý này đang gây lo lắng bởi giá rẻ và dễ sản xuất cũng tạo ra những nhược điểm của các thiết bị công nghệ nhanh - rất khó sửa chữa, không thể tái chế và nhanh chóng trở thành rác.

Một khảo sát cho thấy hơn 1/3 người Anh coi công nghệ nhanh là đồ bỏ đi, tức là chỉ cần sử dụng một lần với nguyên nhân chủ yếu do mức giá rất thấp. Song đây chưa phải là quan điểm đúng.

Chị Niamh Mcbride (chuyên gia về tái chế, tổ chức Material Focus) cho biết: "Với tất cả những loại đồ điện tử, kể cả những đồ đơn giản, sản xuất nhanh, thì vẫn có nhiều vật liệu được sử dụng để làm ra chúng. Như đồng, vàng, liti, nhôm… là những kim loại quan trọng có thể tái chế hoặc tái sử dụng".

Tờ Guardian cho biết, đây cũng được coi là một mối đe dọa môi trường mới, không chỉ vì khả năng chứa hóa chất độc hại mà còn do khối lượng lớn và tính dễ thải bỏ.

Tương tự như những vấn đề của thời trang nhanh, công nghệ nhanh cũng đang dẫn tới nhiều lo ngại về số lượng sản phẩm chất lượng thấp đang tràn ngập thị trường. Theo tổ chức Material Focus, chỉ riêng tại Anh, mỗi năm có hơn 1,14 tỉ thiết bị điện tử nhỏ được tiêu thụ, trong đó khoảng 589 triệu sản phẩm bị thải bỏ.

Do đó, những người quan tấm đến tác động môi trường cho rằng người tiêu dùng cần có trách nhiệm hơn với mỗi món đồ mình mua sắm.

Lo ngại rác thải từ trào lưu dùng quạt cầm tay- Ảnh 2.

(Ảnh minh họa: Anadolu/Getty Images)

Bà Charlotte Blockley (người tiêu dùng) bày tỏ: "Những đợt nắng nóng như thế này tần suất sẽ nhiều lên, và bạn sẽ luôn muốn chi tiền cho các vật dụng làm mát. Thế nhưng thay vì mua rồi để hỏng hoặc vứt, tôi sẽ giữ chúng và sử dụng lại các mùa sau".

Ngoài việc khuyến khích sử dụng nhiều lần, các chuyên gia về môi trường cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các lựa chọn sửa chữa và tái sử dụng. Hiện cũng đang có mô hình các sáng kiến như quán cà phê sửa chữa và thư viện công cụ cộng đồng, nơi mọi người có thể mượn đồ với chi phí thấp hơn so với việc mua mới.