Loài hoa cổ tích siêu hiếm tái xuất
Theo Japan Times, sau hơn 20 năm được cho là tuyệt chủng, loài hoa đèn lồng cổ tích Thismia kobensis đã tái xuất hiện tại tỉnh Hyōgo, Nhật Bản. Khám phá này không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn mà còn mở ra những hiểu biết mới về lịch sử tiến hóa của chi thực vật độc đáo này.
Thismia kobensis, thuộc chi Thismia với tên gọi phổ biến là "hoa đèn lồng cổ tích", được cho là loài thực vật dị dưỡng nấm cực quý hiếm. Loài hoa kỳ lạ này từ bỏ lá xanh và khả năng quang hợp để sống hoàn toàn dưới lòng đất, chỉ nhô lên những bông hoa hình đèn lồng trong mùa mưa. Chúng đôi khi bị nhầm lẫn với nấm.
Năm 1992, Thismia kobensis lần đầu tiên được phát hiện tại thành phố Kobe (Nhật Bản) và chỉ với một mẫu vật duy nhất. Do không tìm thấy thêm cá thể nào khác và môi trường sống của nó bị phá hủy vì nạn phá rừng làm khu công nghiệp, loài hoa này đã được tuyên bố là tuyệt chủng vào năm 1999.
Trong một cuộc khảo sát vào năm 2021, Thismia kobensis đã bất ngờ được tìm thấy tại thành phố Sanda, tỉnh Hyogo, cách địa điểm phát hiện ban đầu khoảng 30 km.
Nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm kiếm và thu được ba mẫu vật, đủ để tiến hành phân tích hoa và ADN của các cá thể. Phần đáy của hoa trong, bóng và có phần ống màu cam chứa nhị hoa.
Theo phân tích của các nhà khoa học, các loài thực vật thuộc chi Thismia là mycoheterotrophic, tức là chúng không quang hợp hoặc chỉ quang hợp một phần và lấy toàn bộ năng lượng cũng như dinh dưỡng từ nấm. Nghiên cứu về loài hoa này được công bố trên tạp chí Phytotaxa. Các nhà nghiên cứu cho biết: "Vì hầu hết các loài thực vật mycoheterotrophic lấy carbon gián tiếp từ thực vật quang hợp thông qua mạng nấm rễ chung, chúng phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động của cả nấm và cây cối nuôi dưỡng chúng." Do đó, chúng rất nhạy cảm với các xáo trộn môi trường và thường hiếm gặp cũng như có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Khoảng 90 loài Thismia đã được xác định nhưng nhiều loài chỉ được biết đến từ địa điểm phát hiện ban đầu và một số loài có khả năng đã tuyệt chủng. Việc tái phát hiện Thismia kobensis tại một địa điểm mới cách xa nơi phát hiện ban đầu hơn 30 km cho thấy việc khảo sát rộng rãi hơn trong mùa hoa nở có thể cung cấp những hiểu biết quan trọng về sự phân bố và mức độ hiếm gặp của loài, từ đó đưa ra các biện pháp bảo tồn phù hợp.
Địa điểm mới này cũng biến Thismia kobensis trở thành loài hoa đèn lồng cổ tích phân bố ở cực bắc châu Á được biết đến cho đến nay.
Kohei Yamana, tác giả thứ hai của nghiên cứu, đã tình cờ tái phát hiện loài hoa này vào tháng 6/2021 trong một khu rừng lá kim ở thành phố Sanda (tỉnh Hyogo). Từ phát hiện này, các nhà nghiên cứu đã có thể cập nhật mô tả về loài, bổ sung chi tiết cho mô tả ban đầu vốn chỉ dựa trên một mẫu vật bảo tàng không đầy đủ. Dựa trên phân tích các đặc điểm khác nhau, các nhà nghiên cứu xác định rằng Thismia kobensis là một loài riêng biệt với những đặc điểm và lịch sử tiến hóa độc đáo.
Khám phá này cũng có thể mang đến những hiểu biết mới về một loài hoa đèn lồng cổ tích khác, Thismia americana. Loài này được phát hiện hơn 100 năm trước gần Chicago (Mỹ) và hiện nay được coi là tuyệt chủng. Nghiên cứu hình thái chi tiết cho thấy Thismia kobensis là họ hàng gần nhất của Thismia americana, loài đèn lồng cổ tích duy nhất ở Bắc Mỹ. Điều này có thể giải thích cách T. americana đến lục địa này từ Đông Á thông qua cầu đất liền Bering.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng loài Thismia kobensis vẫn đang bị đe dọa nghiêm trọng, đặc biệt là bởi những người thường di chuyển dọc theo các lối mòn ở khu rừng tự nhiên thuộc Kobe.
(Tổng hợp)