Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tuyệt chủng gần 90 năm bất ngờ được tìm thấy nhờ một chú chó

Xuất hiện lần cuối vào năm 1937, các nhà nghiên cứu cũng không thể ngờ lại có thể nhìn thấy loài động vật này xuất hiện giữa những cồn cát ở Nam Phi.

Chuột chũi vàng De Winton là một loại động vật đặc hữu ở Nam Phi, được đặt theo tên của nhà động vật học người Anh William Edward de Winton, tên khoa học là Cryptochloris wintoni. Chữ “vàng” trong tên không phải để chỉ bộ lông màu vàng, mà do loài động vật này tiết ra một chất nhờn bôi trơn trên lông, giúp nó có thể chui xuyên qua cát một cách dễ dàng. Cũng nhờ điều này mà nó không cần tạo nên các đường hầm dưới lòng đất như những loài chuột chũi thông thường khác, khiến chuột chũi vàng De Winton khó bị phát hiện hơn.

Điều có thể dễ dàng nhận ra đầu tiên khi thấy loài động vật này là chúng gần như không có thị lực. Tuy nhiên, chuột chũi vàng De Winton có thính giác cực kỳ nhạy bén, có thể cảm nhận được các chuyển động trên mặt đất. Do bản chất khó nắm bắt và hành vi đào hang không theo quy tắc, loài động vật này đã được xếp vào danh sách "những loài mong muốn được tìm thấy nhất” trong danh sách các loài đã biến mất do nhóm bảo tồn toàn cầu Re:wild biên soạn.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tuyệt chủng gần 90 năm bất ngờ được tìm thấy nhờ một chú chó- Ảnh 1.

Chuột chũi vàng De Winton.

Môi trường sống tự nhiên của chuột chũi vàng De Winton là ở vùng đất cây bụi khô cận nhiệt đới, bờ biển cát và thảm thực vật cây bụi kiểu Địa Trung Hải. Tuy nhiên, chúng đã bị đe dọa bởi sự phá hủy môi trường sống và rơi vào tình trạng “nguy cấp nghiêm trọng”.

Lần cuối chuột chũi vàng De Winton được nhìn thấy là từ năm 1937 ở Nam Phi. Kể từ đó đến nay đã gần 90 năm trôi qua, loài vật này được cho là đã tuyệt chủng vì chưa hề xuất hiện lại một lần nào. 

Trong một cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm gần như vô vọng, Quỹ bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (EWT) đã nhờ đến sự giúp sức của một chú chó giống border collie có tên Jessie. Jessie đã được huấn luyện đặc biệt để có thể đánh hơi được loài chuột chũi vàng De Winton. Cuối cùng, đến tháng 11/2023, đoàn nghiên cứu cuối cùng đã tìm thấy chuột chũi vàng De Winton ở thị trấn ven biển Port Nolloth ở phía tây bắc Nam Phi.

Đội tìm kiếm cho biết, mỗi lần chú chó Jessie dừng lại, họ lại thu thập một mẫu đất ở đó mang đi thử nghiệm DNA môi trường (eDNA). Qua đó có thể phát hiện DNA từ các tế bào da, nước tiểu, phân và chất nhầy, mà các con chuột chũi vàng De Winton tiết ra khi chúng di chuyển qua các cồn cát. Sử dụng kỹ thuật này, nhóm đã tìm kiếm tới 18km cồn cát trong một ngày. Sau khi thu thập tổng cộng 100 mẫu cát, cuối cùng họ đã tìm thấy hai con chuột chũi vàng De Winton.

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tuyệt chủng gần 90 năm bất ngờ được tìm thấy nhờ một chú chó- Ảnh 2.
Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh: Tuyệt chủng gần 90 năm bất ngờ được tìm thấy nhờ một chú chó- Ảnh 3.

Chuột chũi vàng De Winton dành phần lớn cuộc đời dưới lòng đất.

Có 21 loài chuột chũi vàng được biết đến trong tự nhiên và hầu hết chỉ sống ở Nam Phi. Mặc dù ngoại hình tương tự nhưng đặc điểm gen của chúng vẫn có sự khác biệt. Đó là lý do trong nhiều năm qua, nghiên cứu thực địa này đã được thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự tìm thấy chuột chũi vàng De Winton.

Cobus Theron, giám đốc bảo tồn cấp cao tại EWT và là thành viên của nhóm tìm kiếm cho biết: “Bây giờ, chúng tôi không chỉ giải được câu đố (về việc chuột chũi vàng De Winton chưa tuyệt chủng) mà còn khai thác được ranh giới về eDNA. Kết quả nào mở ra rất nhiều cơ hội, không chỉ cho loài chuột chũi mà còn cho các loài khác đã biến mất hoặc đang bị đe dọa”.

Hiện nay, các loài đã tuyệt chủng với tốc độ cao hơn nhiều so với dự kiến trong quá trình tiến hóa, phần lớn là do tác động có hại của con người đến môi trường sống tự nhiên của chúng. Các chuyên gia của Quỹ Động vật hoang dã Thế giới tin rằng tỷ lệ tuyệt chủng hiện đại cao hơn tới 10.000 lần so với tỷ lệ tuyệt chủng tự nhiên. Tuy nhiên, việc tái phát hiện một loài được cho là đã tuyệt chủng, như loài chuột chũi vàng De Winton đã mang lại một tia hy vọng mới. 

(Theo Guardian, Newsweek)