Loạt cụm từ "đi đâu cũng thấy" của người trẻ Việt trong năm 2023

Những cụm từ này đã trở thành “câu cửa miệng” trong giao tiếp của giới trẻ.

Loạt cụm từ

Những trào lưu hay cụm từ nổi tiếng trên mạng xã hội thể hiện sự sáng tạo không ngừng của giới trẻ. Chỉ một ý tưởng, một câu nói bất ngờ cũng trở thành “từ khóa trending” (thịnh hành) trong một khoảng thời gian dài.

Dưới đây là những câu nói được nhắc đến rất nhiều trong năm 2023:

Đúng nhận sai cãi

“Đúng nhận sai cãi” xuất phát từ video của một cô đồng xem bói bằng cách bổ cau. Mỗi khi cần xem đường tình duyên, công danh, sự nghiệp… cho khách, cô đồng lại bổ một quả cau và luôn kết thúc bằng câu “Đúng nhận sai cãi”.

Loạt cụm từ

Giới trẻ làm những video hài hước "đu trend" "đúng nhận sai cãi"

Cụm từ này “gây bão” mạng xã hội suốt thời gian đầu năm 2023. Hàng loạt TikToker nổi tiếng hưởng ứng trào lưu, làm video bổ mít, bổ nho, bổ táo… và luôn miệng nhắc đến câu “đúng nhận sai cãi”. Cụm từ còn được dùng trong cả giao tiếp thường ngày với hàm ý hài hước, giải trí. Ngoài ra, nhiều người còn dùng nó để châm biếm trò bói toán, mê tín dị đoan.

Kiếp nạn thứ 82

"Kiếp nạn thứ 82" xuất phát từ bộ phim kinh điển “Tây du ký”. Trong phim, thầy trò Đường Tăng phải trải qua 81 kiếp nạn để lấy chân kinh. Trên thực tế, nhiều người tưởng bản thân đã trải qua đủ 81 kiếp nạn, công đức viên mãn nhưng lại vẫn xuất hiện “kiếp nạn thứ 82” để thử thách sự kiên nhẫn.

Loạt cụm từ

Giới trẻ đua nhau chia sẻ "kiếp nạn thứ 82" của mình

Bởi vậy, “kiếp nạn thứ 82” được dùng để chỉ những tình huống oái oăm, bi hài nhiều người gặp phải trong cuộc sống. Giới trẻ dùng cụm từ để than thở về hoàn cảnh rối ren của mình nhưng cũng mang tính giải trí cao.

Ăn nói xà lơ

“Ăn nói xà lơ” là cụm từ được dùng để chỉ việc nói không đúng sự thật, lời nói không có giá trị. Cụm từ này bắt nguồn từ một video livestream bán hàng trên mạng xã hội.

Cụm từ “ăn nói xà lơ” được giới trẻ sử dụng phổ biến trong cả giao tiếp hằng ngày lẫn các clip, status đăng trên mạng.

Flexing

Trào lưu “flex” rầm rộ trên mạng xã hội vào khoảng giữa năm 2023 khi group “Flex đến hơi thở cuối cùng” được thành lập thu hút hàng triệu thành viên. Từ “flexing” được sử dụng rộng rãi trong những bài đăng “khoe khoang” thành tích cá nhân, tài lẻ… trên mạng xã hội. Không chỉ các bạn trẻ mà những người nổi tiếng cũng “đu trend” flexing nhiệt tình.

Loạt cụm từ

Quán quân Olympia 2022 có màn "flex" ấn tượng

Cùng với “flexing”, các cụm từ khác như “check VAR” (kiểm tra thông tin), “pressing” (dùng lý lẽ để gây áp lực cho người khác), “thoát pressing” (phản công lại người tạo áp lực cho mình)… cũng được giới trẻ sử dụng phổ biến.

Over hợp

“Over hợp” và “You don't hợp with me” được xem là câu nói độc quyền của rapper Thái VG (huấn luyện viên show Rap Việt mùa thứ 3) dùng để nhận xét một thí sinh nào đó “quá hợp” hoặc “không phù hợp” với phong cách của mình.

Với độ phủ sóng của “Rap Việt”, câu nói này nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội, được giới trẻ sử dụng rộng rãi cả trên mạng lẫn cuộc sống đời thực.

À lôi

“À lôi” (nghĩa là “hả” hay “trời ơi”)là câu nói đặc trưng của người dân tộc Tày, dùng để chỉ cảm xúc ngạc nhiên, bất ngờ trước một sự việc, sự kiện nào đó.

Loạt cụm từ

Rapper Double2T mở đầu cho "trend" "à lôi"

“À lôi” được biết đến rộng rãi từ MV ca nhạc “À lôi” của rapper Double2T (Bùi Xuân Trường). Từ sau đó, cụm từ xuất hiện nhan nhản trên Facebook và TikTok với ý nghĩa hài hước và tính giải trí cao.

Gwenchana

Câu nói phổ tiếng trong tiếng Hàn đã trở thành “trend” của giới trẻ Việt từ một video trên TikTok. Người này đăng video quay cảnh khóc và liên tục lặp lại cụm từ “Gwenchana”.

Mang ý nghĩa là “tôi ổn” nhưng trong giới trẻ Việt, “Gwenchana” lại được sử dụng với hàm ý cam chịu, buồn bã, khiến người khác hiểu thành “không ổn lắm đâu”.

Mãi mận mãi keo

“Mãi mận” được nói lái theo cụm từ “mãi mặn mà”. “Mãi keo” hàm ý là mãi thân thiết với nhau.

“Mãi mận mãi keo” được dùng để chỉ sự gắn bó thân thiết trong tình bạn, tình yêu. Cụm từ này được giới trẻ Việt sử dụng phổ biến trên mạng xã hội trong suốt năm vừa qua.