Người may mắn sống sót thuật lại khoảnh khắc kinh hoàng
New York Times đưa tin, Kim Seo-jeong, 17 tuổi, một học sinh trung học, đang hóa trang trong trang phục sườn xám, cầm một chiếc quạt gấp cùng bạn mình có mặt trong đám đông chơi Halloween ở Itaewon, một khu giải trí về đêm nổi tiếng ở trung tâm Seoul, vào tối 29/10.
Họ rất hào hứng khi có mặt ở đó vì đã bỏ lỡ các lễ hội Halloween trước đây do đại dịch. Nhưng niềm mong ước của một buổi tối vui vẻ lại sớm trở thành cơn ác mộng, khi hàng nghìn người chen chúc trong một con hẻm hẹp, dốc cạnh khách sạn Hamilton tạo ra một vụ giẫm đạp chết người.
Ngày 30/10, truyền thông Hàn Quốc đưa tin ít nhất 151 người thiệt mạng, trong số đó có 19 người nước ngoài; 82 người bị thương, cùng hơn 350 trường hợp báo cáo mất tích tại một trong những thảm họa thời bình tồi tệ nhất ở Hàn Quốc.
Kim nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại: “Vào lúc chúng tôi bước vào con hẻm lúc 8 giờ tối, đã có rất nhiều người nên chúng tôi khó có thể tiến thêm bước nào. Chúng tôi bỏ cuộc một giờ sau đó và cố gắng quay đầu để về nhà, nhưng chúng tôi cũng không thể di chuyển theo hướng khác. Có những người đẩy từ phía sau chúng tôi. Trước mặt chúng tôi lại có người đẩy xuống đồi để đi hướng khác”.
Sau đó, một nhóm thanh niên xô mạnh xuống đồi, hô to “Đẩy đi! Đẩy đi!".
"Một người trước mặt tôi trượt chân ngã, đẩy tôi xuống theo. Những người phía sau tôi ngã xuống như quân cờ domino”, Kim kể lại. “Có những người bên dưới tôi và người khác ngã trên đầu tôi. Tôi gần như không thở nổi. Chúng tôi la hét và kêu cứu, nhưng tiếng nhạc quá lớn trong con hẻm khiến tiếng la hét của chúng tôi bị chìm nghỉm”.
Theo Choi Seong-beom, một quan chức cấp cao của sở cứu hỏa Seoul, hầu hết những người thiệt mạng đều là thanh thiếu niên ở độ tuổi 20.
Cô Kim và bạn cố gắng bò ra ngoài, và người lớn đã kéo được họ vào một quán rượu. Sau đó, họ rời khỏi con hẻm bằng cách nhích dần theo các bức tường. Những gì họ chứng kiến trên đường đi là sự hỗn loạn tuyệt đối.
Kim kể, con hẻm đông đúc và ồn ào đến nỗi mọi người dường như không biết chuyện gì đang xảy ra dù chỉ cách vài mét, thậm chí còn đứng quay phim đám đông. Một số bận hóa trang Halloween. Những người khác thì hét vào mặt chủ quán bar, hỏi khi nào họ có thể vào. Một vài cảnh sát đã lao đến hiện trường, thổi còi, cố gắng kiểm soát đám đông, nhưng vô ích.
Bản thân Kim cũng không biết tình hình nguy hiểm đến mức nào cho đến khi cô đang ở trong tàu điện ngầm trên đường trở về nhà ở Yongin, phía nam Seoul, khi kiểm tra internet và thấy tin tức nổ ra.
Một người sống sót khác, tên là Lee Chang-kyu, cho biết anh nhìn thấy khoảng 5 đến 6 người đàn ông bắt đầu xô đẩy người khác trước khi một vài người bắt đầu ngã xuống.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh tin tức YTN, Hwang Min-hyeok, một người đến Itaewon, cho biết đã rất sốc khi nhìn thấy hàng loạt thi thể gần khách sạn.
Anh cho biết các nhân viên cấp cứu ban đầu bị quá tải, khiến người đi đường phải vất vả tiến hành hô hấp nhân tạo cho những người bị thương nằm trên đường phố. Mọi người than khóc bên cạnh thi thể bạn bè, anh cho biết.
Hãng tin Yonhap đưa tin, một người sống sót khác ở độ tuổi 20 cho biết anh đã tránh bị giẫm đạp bằng cách cố gắng vào quán bar có cửa mở ở đầu hẻm. Ngoài ra, một phụ nữ khoảng 20 tuổi họ Park nói với Yonhap rằng cô và những người khác đang đứng dọc theo bên con hẻm trong khi những người khác bị kẹt giữa con hẻm không có lối thoát. "Một người thấp bé như tôi thậm chí không thể thở được", Park kể lại. “Tôi qua khỏi khi chỉ ở rìa con hẻm. Có vẻ như những người ở giữa phải chịu đựng nhiều nhất”.
New York Times dẫn lời một nhân chứng: “Có rất nhiều người nên chúng tôi không thể di chuyển nổi”, Song Su-yeon, 46 tuổi, đến từ Incheon cho biết.
Một nhân chứng khác viết: “Mọi người tiếp tục đẩy và nhiều người hơn bị đè xuống. Những người bị đè bẹp dưới đám đông đều khóc và tôi cứ tưởng rằng tôi cũng sẽ bị đè chết khi cố thở qua một cái lỗ và kêu cứu”.
Một bộ ba người bạn vốn đã sẵn sàng mở tiệc khi họ đến Itaewon trước khi họ nhìn thấy một hàng thi thể nằm trên đường trong những tấm chăn nilon màu xanh lam. Lee Seong-eun, 30 tuổi, ở Seoul, nói: “Thật là đáng sợ. Tôi không thể tin được những gì tôi đã thấy”.
Bạn của cô, Jeong Sol, 30 tuổi, nói rằng đám đông quá ngổn ngang nên nhà chức trách phải mất nhiều thời gian để dọn dẹp nhường chỗ cho lực lượng cứu hộ và sơ tán. Jeong nói: “Thật tồi tệ khi chúng tôi không thể nhìn thấy đường. Chúng tôi đã bị xô đẩy rất nhiều. Mọi người bị xô đẩy và lôi kéo, bất kể họ là ai”.
Những người đã từng kẹt trong một vụ giẫm đạp miêu tả cú sốc lớn nhất là đột ngột chao đảo từ bình thường sang hoảng loạn và có khả năng bị nhấn chìm bởi đám đông.
Một số du khách nước ngoài cũng đã có mặt và thuật lại sự việc.
Benedict Manlapaz, một nhà làm phim từ New York đã có mặt tại ga tàu điện ngầm Itaewon vào khoảng nửa đêm và thấy đường phố chật cứng người. Anh kể, mọi người đã “kích động” và một số đã khóc.
Manlapaz cho biết, mọi người vai kề vai và thậm chí không có nổi không gian để di chuyển.
Cùng một nhóm bạn khác cũng đến từ New York, Manlapaz nói họ không tìm nổi nhau do quá đông và phải chia sẻ vị trí qua di động để hẹn gặp nhau, trước khi sự lo lắng trở thành cơn sốc.
Anh kể phải có đến 20-30 người quanh đó được hồi sức tim phổi, trong khi khoảng 20 thi thể khác đã được đắp những chiếc chăn nilon màu xanh.
Gia đình hoảng loạn tìm kiếm con em
Theo New York Times, trước bình minh ngày Chủ nhật, nhiều người đã có mặt bên ngoài Nhà thi đấu trong nhà đa năng Wonhyoro, một cơ sở gần sông Hán ở Seoul được trưng dụng thành nhà xác tạm thời.
Do số người chết và bị thương thay đổi nhanh chóng và không có thông tin chi tiết về các nạn nhân trong thảm kịch Halloween, nhiều gia đình đã tìm đến để xem liệu người thân của họ có nằm trong số các thi thể được đưa đến đó hay không.
Cha mẹ và anh chị em co ro bên nhau trong cái lạnh, xung quanh lối vào sau của phòng tập thể dục. Một hàng xe cấp cứu đã hình thành bên ngoài để đưa các thi thể ra khi họ được xác định. Một cảnh sát lẩm bẩm với một người khác rằng nhà chức trách đang gặp khó khăn trong việc xác nhận danh tính.
Một bà mẹ trùm chăn đi đi lại lại, thỉnh thoảng đến gặp cảnh sát để được cập nhật thêm thông tin. Đối với một số người, bị choáng ngợp bởi lo lắng và đau buồn, sự chờ đợi nhanh chóng trở nên không thể chịu đựng nổi.
Nguồn: Tổng hợp