Thay vì những quan điểm “chỉ sống một lần trong đời” hay “nằm yên để hưởng thụ cuộc sống”, nhiều người trẻ hiện đại đang dần bắt nhịp lại với cuộc sống hậu COVID-19 bằng việc tận dụng tối đa thời gian mình đang có. Họ tự tạo cho mình những cảm hứng để năng động hơn với những kế hoạch đơn giản, ngắn hạn, nhất là khi cuộc sống hiện tại bấp bênh và khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trở lại Hà Nội sau Tết Nguyên đán, Trần Ngọc Huyền (25 tuổi, freelance) xây dựng cho mình một chế độ ăn uống, tập luyện, làm việc và nghỉ ngơi một cách điều độ. Cô bắt đầu một ngày mới bằng việc tới phòng tập với các bài tập với dây 5 buổi/tuần vào buổi sáng, sau đó cô ăn trưa và bắt đầu công việc vào đầu giờ chiều.
Trong lúc ăn trưa và tối, cô tham gia một lớp học tiếng Anh và một lớp học hướng dẫn sử dụng các công cụ chỉnh sửa hình ảnh, mỗi lớp học như thế chỉ kéo dài 30 phút mỗi buổi. Vào buổi tối, trước khi đi ngủ, Ngọc Huyền ghi lại những việc mình đã làm hôm nay và kế hoạch cho ngày mai trước khi đọc một vài trang sách rồi chìm vào giấc ngủ.
"Mình bắt đầu thói quen lập kế hoạch từ nhiều năm trước rồi nhưng thực sự bắt đầu theo dõi các thói quen một cách chính xác hơn khi quay lại Hà Nội sau kỳ nghỉ Tết. Gần 1 tháng thực hiện kế hoạch đề ra, mình cảm thấy cơ thể rất thoải mái, dễ chịu và không có nhiều áp lực. Đặt ra mục tiêu và siêng năng làm việc để đạt được đúng là một điều vô cùng ý nghĩa", Ngọc Huyền nói.
Giống như Ngọc Huyền, ngày càng có nhiều người trẻ hiện đại áp dụng những thói quen đơn giản và lành mạnh như giữ không gian sống ngăn nắp và có tổ chức, uống nhiều nước, chăm chỉ tập thể thao và cắt giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử. Từ đó, họ tìm thấy niềm vui khi thực hiện công việc hằng ngày mà không cần đến những kế hoạch quá “lớn lao”.
Còn Trần Tuấn (23 tuổi, sống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thì cho biết, sau nhiều lần căng thẳng do bố mẹ không đồng ý về công việc đang làm hiện tại, bị đưa ra so sánh nhiều lần đã khiến Tuấn quyết định chuyển ra ngoài sống riêng. Mong muốn của Tuấn là tìm kiếm những khoảnh khắc dù nhỏ nhoi nhưng hạnh phúc thay vì cứ sống theo những mục tiêu lớn và dài hạn mà không phải là điều bản thân yêu thích.
Sau thời gian dài kìm kẹp với những suy nghĩ tiêu cực, Trần Tuấn quyết định ra ở riêng và bắt nhịp lại cuộc sống hướng đến nâng cao năng lực bản thân
“Suốt thời gian dài bị hạn chế tiếp xúc do phong tỏa vì COVID-19 đã khiến mình suy nghĩ và mong muốn tạo ra các thói quen mới, tập trung hoàn toàn vào bản thân. Mình được làm công việc đúng sở thích, duy trì các thói quen lành mạnh, không tiếp xúc với cồn hay chất kích thích, không quan tâm và kết bạn với những người có xu hướng tiêu cực.
Bằng cách này, mình cảm thấy không còn căng thẳng, sợ hãi và lo lắng như trước nữa. Quyết định chuyển ra ngoài có lẽ là điều đúng đắn nhất mình đã từng làm trong nhiều năm qua", Tuấn chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Giang cho biết, việc giới trẻ đang có xu hướng quay lại với lối sống hướng đến thành tích, nâng cao năng lực bản thân bằng các kế hoạch ngắn hạn là lối suy nghĩ khôn ngoan, cẩn trọng và phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Lối sống hướng đến thành tích, nâng cao năng lực bản thân thông qua những kế hoạch cụ thể đang trở thành xu hướng mới của nhiều người trẻ
Các kế hoạch cụ thể nhưng ngắn hạn giúp giới trẻ có niềm tin về việc những nỗ lực nhỏ họ xây dựng ở hiện tại sẽ giúp họ tạo ra thành tựu lớn hơn trong tương lai. Khi thoải mái trong tư tưởng và suy nghĩ, những người trẻ luôn là những người biết cách “yêu” bản thân nhất bằng việc duy trì các thói quen lành mạnh, suy nghĩ tích cực.
Việc người trẻ tự kiểm soát cuộc sống của họ, chẳng hạn như tự lựa chọn công việc, tự lựa chọn các mối quan hệ giúp giảm bớt những áp lực về sự kỳ vọng, đặc biệt là những kỳ vọng đến từ người khác. Mong muốn cuối cùng của hầu hết mọi người vẫn là cải thiện cuộc sống hằng ngày nên việc người trẻ đang quay trở lại với những lối sống tích cực là điều cần được ủng hộ và khích lệ.