Cùng nhau nấu cơm từ thiện và viết các note gửi các y, bác sĩ tuyến đầu
Từ khi con hẻm nhà mình bị phong tỏa, gia đình chị Nguyễn Loan ở đường Hoàng Sa, phường Tân Định, Quận 1 đóng cửa ở nhà. Không được đến trường, đến lớp, không được đi chơi, hai bé con của chị có cảm giác tù túng. Thế nên chị Loan đã tận dụng thời gian này để dạy con biết làm việc nhà, san sẻ yêu thương.
Khi biết thông tin thầy Nguyễn Tấn Danh, quản lý trường Tuệ Đức lập group viết note năng lượng yêu thương để dán lên các hộp cơm gửi đến các y bác sĩ của các bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân COVID-19, chị Loan đã đăng ký cho hai con mình tham gia. Theo đó, mỗi ngày, hai con chị là bé Anh Thư (15 tuổi) và Gia Bảo (12 tuổi) sẽ viết hàng trăm note nhắn nhủ, tiếp thêm năng lượng cho các nhân viên y tế, những chiến sĩ công an, dân phòng để bày tỏ lòng biết ơn.
Ngoài ra, chị Loan còn cho hai con mình tham gia nhặt rau, gọt rau củ quả để phụ hàng xóm nấu cơm từ thiện. Được biết, mỗi ngày, bếp ăn từ thiện của hàng xóm nhà chị Loan nấu khoảng 100 suất cơm tặng những người khó khăn cơ nhỡ. Hàng ngày, chị Loan lấy rau củ của cô hàng xóm để trước cửa rồi mang về xịt khử khuẩn, để hai con nhặt và làm xong lại mang sang để trước cửa hàng xóm.
Hai con của chị Loan gọt rau, củ, quả để phụ bếp ăn từ thiện cho những người khó khăn. Ảnh: NVCC
Theo chị Loan, những việc làm nhỏ lúc rảnh rỗi này giúp hai con chị hiểu rõ về lòng biết ơn và biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn.
Đây chính là những bài học thực tế sẽ giúp các con có những cảm xúc tích cực, có lòng nhân ái, chí hướng phấn đấu, tinh thần trách nhiệm.
Nâng cao sức khỏe, chăm sóc nhà cửa
Chị Vân Nhi, nhà ở Phường 22, quận Bình Thạnh là phóng viên, thường xuyên di chuyển do công việc. Chị Nhi cho biết, trước đây, mỗi sáng chị thường dậy lúc 6h để chuẩn bị bữa sáng cho chồng con rồi đi làm, đến 17h chiều chị mới từ cơ quan về nhà. Rồi sau đó tất bật bữa tối và luôn phải chú ý đến điện thoại để có thể nhận được thông tin từ tòa soạn sẽ chỉnh, sửa tin bài. Chính vì bận rộn như vậy nên chị Nhi không có nhiều thời gian dành cho nấu nướng và thường xuyên phải mua những đồ thức ăn sẵn, đã sơ chế về nấu cho nhanh.
Thay vì trước đây hay mua đồ ăn sẵn, nay chị Nhi có thể tự nấu và lên thực đơn các món ăn cho gia đình nhỏ. Ảnh: NVCC
Cuộc sống gia đình chị Nhi thay đổi khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 16, toàn bộ các nhà hàng, quán ăn tạm dừng hoạt động, kể cả bán mang về. Chị Nhi buộc phải học cách… chuẩn bị bữa ăn hằng ngày với 3 bữa sáng, trưa, chiều cho cả nhà. Theo đó, chị vào các group chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn được chị em chia sẻ nhiệt tình, từ các món Âu, Á đến các món đồng quê….
Tròn 1 tháng giãn cách, chị Nhi đã học được cách chăm lo bữa ăn cho gia đình mình với thực đơn phong phú, ít khi bị trùng lặp.
Món bánh cuốn chị Vân Nhi tự làm trong thời gian ở nhà giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC
Cũng trong thời gian giãn cách, gia đình chị Nhi thường xuyên chăm lo tập thể dục. Mỗi ngày, hai vợ chồng và 2 con chị dành ít nhất 30 phút để tập các động tác đơn giản như: nhảy dây, chống đẩy, hóp bụng... để nâng cao sức khỏe.
Hít thở không khí trong lành và sống tối giản
Với gia đình chị Thu Hà, ở phường Tăng Nhơn Phú, TP Thủ Đức thì dịch bệnh khiến cuộc sống thường ngày bị đảo lộn. Thay vì mỗi sớm vợ chồng chị phải ra khỏi cửa đến cơ quan cách nhà gần 20 cây số thì nay vợ chồng chị đều làm việc ở nhà.
Chị Hà tâm sự, mỗi ngày chị vẫn dậy sớm và lên tầng thượng trên nhà tưới hoa, cây lá, hít thở không khí trong lành thay vì phải hít khói bụi trên đường đi làm. Thời gian rảnh chị đặt mua thêm hạt giống cây về trồng. Trong suốt thời gian giãn cách, chị không lo phải mua rau xanh bởi vườn nhà có đủ.
Khoảng sân thượng nhà chị Thu Hà trồng rất nhiều hoa, cây cối. Ảnh: NVCC
Cũng trong thời gian ở nhà, những câu chuyện về dịch bệnh, những em bé phải đi cách ly khi không có bố mẹ bên cạnh đều được chị Hà kể cho hai con. Chị động viên hai con trai học lớp 6 và lớp 4, thay vì dành thời gian xem phim và chơi ipad thì phụ giúp mẹ nấu cơm, nhặt rau. Theo chị Hà, có thể con nhặt rau chưa được sạch hay cắm cơm vẫn còn lúc ướt, lúc khô, tráng trứng còn bị vữa nhưng những trải nghiệm đó sẽ giúp con biết chia sẻ và trân trọng đồ ăn.
Chị Thu Hà ngoài trồng hoa còn trồng rau để tự cấp cho gia đình. Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, chị Hà thấy mình có thói quen tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm hơn. Chẳng hạn như việc chị và gia đình sử dụng thức ăn hợp lý, không còn để lại nhiều thức ăn thừa sau mỗi bữa ăn như trước. Chị cũng hạn chế mua áo quần mới mặc một lần không thích là bỏ đi mà tìm tòi phối thử các quần áo cũ trong tủ đồ ra những phong cách mới.
"Mỗi người góp một chút "khỏe mạnh" là cộng đồng sẽ khỏe, dịch bệnh được đẩy lùi", chị Hà cho hay.