Chị M.Y (Thanh Hóa) chia sẻ, chị xuất thân trong gia đình nông dân. Sau khi chị M.Y kết hôn, bố mẹ chị không thể hỗ trợ nhiều về vật chất nhưng nhờ có sức khỏe tốt, ông bà không bao giờ đòi hỏi hay trở thành gánh nặng cho con gái.
Gia đình chị M.Y cũng có vườn tược, cây trái, đất nông nghiệp, chăn nuôi bò, heo, gà. Mỗi năm, bố mẹ chị M.Y đều có tiền dư, tích lũy ngày một nhiều, cuộc sống tuy không phải giàu có nhưng no ấm, bình yên vui vẻ, chị M.Y rất yên lòng.
Quyết định sai lầm
Với điều kiện gia đình như vậy, chị M.Y được bố mẹ cố gắng tạo điều kiện cho đi học đại học, là một trong số ít sinh viên trong làng. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị M.Y từng ở lại Hà Nội xin việc nhưng sau đó, được cha mẹ động viên, chị M.Y quay về quê hương và thi công chức.
Vượt qua bao khó khăn, chị M.Y trở thành công chức ở thành phố địa phương, mỗi tháng thu nhập cộng lại tuy không quá cao nhưng cũng đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Cũng thời gian này, chị M.Y gặp người chồng hiện tại.
"Trong độ tuổi lập gia đình, qua sự giới thiệu của đồng nghiệp, tôi quen biết chồng. Dù anh ấy làm việc tại một công ty tư nhân với mức lương chỉ 10 triệu đồng/tháng nhưng gia đình anh khá giả, nhà có vài căn ở thành phố, nhiều đất đai, nhìn chung nền tảng tốt. Nghĩ rằng đây là người phù hợp, tôi nghĩ kết hôn với anh là một sự lựa chọn không tồi. Nào ngờ đây lại là quyết định sai lầm", chị M.Y chán nản.
Sau khi kết hôn, được bố mẹ chồng mua cho căn nhà, vợ chồng chị M.Y dọn ra ở riêng ngay, nhờ vậy cuộc sống tân hôn của vợ chồng son ban đầu rất hòa hợp. Một năm sau cưới, con của họ chào đời. Những tưởng niềm vui với họ sẽ nhân đôi nhưng không ai ngờ, từ đó, cuộc sống của chị M.Y và chồng lại trở nên ngột ngạt.
Lương gấp đôi chồng vẫn bị chê
Vì chồng chị M.Y lớn lên trong môi trường được bố mẹ nuông chiều, kể từ khi kết hôn, anh không biết cách kiếm thêm cũng không dám xin tiền bố mẹ, cuộc sống gia đình khá khó khăn, thiếu thốn. Đáng nói, mỗi lần như vậy, chồng chị M.Y luôn than phiền rằng lấy phải vợ nhà nghèo, kiếm được ít tiền, biết thế không lấy vợ, khiến chị M.Y cực kỳ tự ti, khó chịu.
"Chồng tôi nghĩ rằng nhà là của gia đình anh ấy chi tiền mua, vì vậy lẽ ra anh ấy nên lấy một người vợ biết cách làm ăn, kiếm được nhiều tiền. Mỗi lúc cãi nhau về chuyện tiền nong, anh ấy lại chê tôi là tụt hậu, không biết kiếm tiền, lấy tôi nên đời anh khổ.
Gần đây, chồng tôi còn thể hiện thái độ ghét cay ghét đắng những người làm công ăn lương như tôi, nói tôi vô dụng, khiến tôi hết sức phiền chán. Trong cơn nóng giận, tôi đã nói với anh ấy rằng, nếu một ngày nào đó, anh ấy tìm thấy một người phụ nữ giàu có mà mình thích, hãy nói cho tôi biết, tôi sẽ từ bỏ mối quan hệ này ngay, đường ai nấy đi, còn hiện tại thì con còn quá nhỏ, tôi không muốn gánh thêm sự mệt mỏi về tinh thần. Nghe tôi nói vậy, chồng tôi im lặng không trả lời nhưng vẫn tỏ thái độ khinh thường", chị M.Y tâm sự.
Thực tế, chị M.Y cho biết, ngoài làm công ăn lương, chị còn góp cổ phần mở trang trại ở quê với bạn và gia đình, số tiền lãi thu được cộng với tiền lương hàng tháng gấp đôi lương của chồng, song chồng chị M.Y lại cho rằng như thế vẫn không đủ, nên nghỉ hẳn việc để buôn bán, làm giàu. Anh muốn giàu nhanh nhưng lại không chủ động mà dồn việc khó khăn sang vợ.
"Chồng tôi không phải người siêng năng hay tài cán, anh tốt bụng nhưng chỉ thế mà thôi. Anh ấy đã quen với cuộc sống được người mẹ giàu có nuông chiều nên mặc định rằng phụ nữ cần phải tài giỏi, kiếm tiền phục vụ gia đình.
Nói thật, cuộc hôn nhân của chúng tôi đang vô cùng bế tắc, chồng tôi chắc chắn sẽ không thay đổi, chỉ khó khăn một chút, chuyện nhỏ xảy ra ngoài ý muốn, anh ấy đã cáu gắt cả ngày, đổ lỗi sang tôi. Xin hỏi mọi người, với người chồng như vậy, tôi nên làm thế nào? Liệu có nên nghe theo lời khuyên của cha mẹ, chia tay sớm cho bớt khổ, còn có cơ hội đi bước nữa làm lại cuộc đời?", chị M.Y phân vân.